Nhà đầu tư cá nhân tranh thủ chốt lời xả ròng hơn 500 tỷ tuần đầu tiên năm 2022
Số liệu thống kê từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch tiêu cực với giá trị bán ròng 506 tỷ đồng trên HoSE trong tuần đầu năm 2022.
Thị trường chứng khoán giao dịch tích cực ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, chỉ số vượt đỉnh nhẹ nhàng với những thông tin phấn khởi về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/1, VN-Index đứng ở mức 1.528,48 điểm, tương ứng tăng 2,02% so với tuần trước. HNX-Index cũng tăng 4,19% lên 493,84 điểm. UPCoM-Index tăng 2,59 điểm lên 115,6 điểm. Bước sang phiên đầu tuần chỉ số tiếp đà tăng 5,6 điểm với độ rộng nghiêng về phía 256 mã giảm và 192 mã tăng trong đó 29 mã kịch trần cho thấy áp lực chốt lời của nhà đầu tư đang cực lớn.
Chỉ tính riêng tuần vừa qua, số liệu thống kê từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch tiêu cực với giá trị bán ròng 506 tỷ đồng trên HoSE trong tuần đầu năm 2022. Nếu tính về khớp lệnh, giá trị bán ròng nâng lên thành 845 tỷ đồng. Dù vậy, mức bán ròng này giảm 70% so với tuần trước.
VHM bị cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất với 764 tỷ đồng. VNG và KBC đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 422 tỷ đồng và 358 tỷ đồng. Trong khi đó, CII được mua ròng mạnh nhất với 549 tỷ đồng. GEX và VNM đều được mua ròng trên 400 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời của nhà đầu tư cá nhân được đánh giá nguyên nhân do nhà đầu tư chưa quen với mặt bằng giá mới khi chỉ số bật tăng mạnh lên vùng đỉnh mới. Giới phân tích cho rằng, áp lực chốt lãi nhiều khả năng tiếp gia tăng tuần này theo tâm lý “ mua theo tin đồn bán khi có tin chính thức” dù vậy VN-Index nhiều khả năng vẫn sẽ giữ xu hướng tăng điểm sau những phiên rung lắc mạnh. Nhà đầu tư cá nhân có thể tận dụng cơ hội ngắn hạn để cơ cấu danh mục và sẵn sàng cho một đợt tăng điểm mạnh tiếp theo.
Ngược lại, tổ chức trong nước giao dịch tích cực khi mua ròng 1.080 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước đó. Trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng trở lại 287 tỷ đồng (mua ròng 485 tỷ đồng thông qua khớp lệnh). Các tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng mạnh nhất mã VNG với 422 tỷ đồng. KBC đứng sau với giá trị mua ròng là 232 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã GEX với 404 tỷ đồng. HNG và HPG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 243 tỷ đồng và 153 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh, dòng vốn này mua ròng 792 tỷ đồng trên HoSE, giảm 13% so với tuần cuối năm 2021 (mua ròng 851 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).
TCB được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 154 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối tự doanh vẫn thuộc về một mã ngân hàng là VPB với giá trị 113 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG và DXG được mua ròng lần lượt 98 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 52 tỷ đồng. PHC và KDH bị bán ròng lần lượt 30 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.