Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu mua cổ phiếu Bank of America 10 năm trước?
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Bank of America đã tăng hơn 41%
Mới đây, Bank of America, ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ tính theo tài sản, báo kết quả kinh doanh quý 3/2019 vượt dự báo. Trong một thập kỷ qua, cổ phiếu ngân hàng này cũng tăng trưởng ổn định.
Theo tính toán của CNBC, nếu rót 1.000 USD vào cổ phiếu Bank of America năm 2019, khoản đầu tư này sẽ tăng lên thành hơn 2.600 USD tính tới ngày 18/12/2019, tương đương mức tăng khoảng 160%. Trong cùng thời gian, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 255%. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng hơn 41%, hiện giao dich quanh mức 35 USD/cổ phiếu.
Theo các nhà phân tích, năm 2019, xét trên phương diện cổ phiếu, Bank of America đang tăng trưởng tốt hơn so với các công ty tài chính khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Ngân hàng này đã bắt đầu chi tiền để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng là một cổ đông lâu năm của Bank of America. Năm 2011, ông đầu tư 5 tỷ USD vào ngân hàng này, chỉ vài năm sau thời kỳ Đại Suy thoái. Sáu năm sau, vào 2017, ông nói với CNBC rằng sẽ tiếp tục giữ cổ phiếu Bank of America lâu nữa. Tính tới năm 2019, công ty Berkshire Hathaway của Buffett nắm giữ 10,5% cổ phần của ngân hàng này với hơn 940 triệu cổ phiếu.
Suốt thập kỷ qua, dù giá cổ phiếu tăng ổn định, Bank of America cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2014, ngân hàng này chấp nhận trả 16,65 tỷ USD để dàn xếp cáo buộc gian lận vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008, theo Bộ Tư pháp Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc ngân hàng này cố tình bán chứng khoán thế chấp có vấn đề cho các nhà đầu tư trước khi suy thoái xảy ra.
Sau đó, vào năm 2016, Bank of America tiếp tục phải trả 340 triệu USD để dàn xếp một vụ kiện khác với Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Trong vụ này, Merrill Lynch, bộ phận quản lý tài sản và đầu tư của Bank of America, bị cáo buộc lạm dụng tiền của khách hàng để hỗ trợ cho các hoạt động giao dịch và tăng lợi nhuận của mình.
Và tháng 12/2019, Bank of America, cùng với 5 ngân hàng lớn khác, vấp phải chỉ trích từ các nhà lập pháp ngành ngân hàng Mỹ vì kế hoạch "di chúc sống", trong đó các ngân hàng đưa ra chi tiết cách thức chia tách một cách an toàn và hiệu quả trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, ví dụ như phá sản. Nếu không giải quyết được những vấn đề của mình trước tháng 3/2020, ngân hàng này có thể sẽ bị siết quản lý và thậm chí bị yêu cầu từ bỏ một vài tài sản tài chính.