16:00 10/02/2009

Nhà đầu tư ngoại duy trì thế “thủ”?

Hà Nguyên

Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài - đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức - có thể tiếp tục chiến lược đầu tư cẩn trọng

Nếu như các nhà đầu tư đơn lẻ và tiềm lực tài chính nhỏ chỉ có thể cảm nhận tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu một cách từ từ, thì các nhà đầu tư lớn có tổ chức như các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại là ngưỡi “lĩnh đủ” đầu tiên, và bị tác động nhanh hơn cả - Ảnh: Việt Tuấn.
Nếu như các nhà đầu tư đơn lẻ và tiềm lực tài chính nhỏ chỉ có thể cảm nhận tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu một cách từ từ, thì các nhà đầu tư lớn có tổ chức như các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại là ngưỡi “lĩnh đủ” đầu tiên, và bị tác động nhanh hơn cả - Ảnh: Việt Tuấn.
Dù không tỏ ra quá bi quan, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức lớn vẫn thể hiện một chiến lược đầu tư có chọn lọc trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở hiện tại và trong thời gian trung hạn tới.

Theo ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Hà Nội (HFM), do bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, trong lúc vẫn chưa có những tín hiệu tích cực cần thiết cho nền kinh tế trong nước về ngắn hạn, nên phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài - đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức - có thể tiếp tục chiến lược đầu tư cẩn trọng, nhằm bảo đảm không để giá trị danh mục đầu tư bị sụt giảm thêm.

Điều này được thể hiện rõ nét trong tuần đầu tiên giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam sau Tết Âm lịch. “Khối ngoại mua vào cao hơn đôi chút về giá trị và tỷ trọng, trong khi họ bán ra nhiều gấp đôi xét về cả giá trị và tỷ trọng”, ông Fiachra MacCana, Giám đốc Bộ phận phân tích của HSC nói.

Nếu như các nhà đầu tư đơn lẻ và tiềm lực tài chính nhỏ chỉ có thể cảm nhận tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu một cách từ từ, thì các nhà đầu tư lớn có tổ chức như các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại là ngưỡi “lĩnh đủ” đầu tiên, và bị tác động nhanh hơn cả.

Trong một bản công bố ngắn gọn phát đi ngày 5/2/2009, ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc của Công ty Quản lý tài sản PXP Vietnam Asset Management thông báo trị giá tài sản ròng (NAV) trên cổ phiếu của quỹ VEEF mà công ty này đang quản lý tính đến hết ngày 30/1/2009 là 3,18 USD, giảm 1,456% so với thời điểm 31/12/2008.

Được biết, tính đến 30/01/2009, VEEF đã “rót” tới 98,5% tổng vốn của mình, trong đó khoảng 77,3% là “đổ” vào chứng khoán niêm yết tại Việt Nam.

Tương tự, trị giá tài sản ròng trên cổ phiếu của quỹ Vietnam Lotus Fund do PXP Vietnam quản lý cũng giảm 1,855%, còn 2,116 USD so với thời điểm 31/12/2008.

Các nhà đầu tư lớn thường đặt sự suy giảm của chỉ số VN-Index bên cạnh khi so sánh mức NAV của các quỹ đầu tư. Và trong lúc VN-Index suy giảm tới 65,9% trong cả năm 2008 thì NAV của quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý giảm 46,7%.

Chỉ tính riêng trong tháng 12/2008, NAV của VOF đã giảm 2,1% từ con số 1,9 USD/cổ phiếu xuống còn 1,86 USD/cổ phiếu so với tháng trước đó.

Cùng một số yếu tố khác nữa, chỉ số NAV của các quỹ Vietnam Infrastructure Limited (VNI) và VinaLand Limited (VNL) - đều do VinaCapital quản lý - cũng sụt giảm nhưng ở mức độ ít hơn trong hai tháng cuối năm 2008.

Dường như các nhà đầu tư lớn như trên đang dần “cạn tiền”, và bản thân giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng ít có đột biến trong thời gian qua.

Theo ông Trần Quốc Cường, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của HSC chi nhánh Hà Nội, xu hướng mua - bán của các nhà đầu tư nước ngoài là cơ cấu lại danh mục đầu tư, với việc mua những mã cổ phiếu có tiềm năng lâu dài.

“Chẳng hạn khi Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) chào bán 16 triệu cổ phiếu Sacombank (mã STB), các quỹ nước ngoài đã mua 9 triệu theo phương thức thỏa thuận”, ông Cường dẫn chứng. “Dự đoán sau khi có kết quả kinh doanh quý 4/2008 trong tháng 2/2009 này, xu hướng cơ cấu lại danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rõ nét hơn”.

Nếu dự đoán này đúng hướng thì khả năng lớn là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục xu hướng “tái cơ cấu” danh mục đầu tư của họ trong thời gian ngắn trước mắt, trong khi dồn lực cho các cổ phiếu blue-chip, hoặc đợi các cổ phiếu lớn được cho là sắp lên sàn như Vietcombank, Vietinbank...

Nhưng bản thân các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Cường, cũng gặp khó với hướng đi này khi mà các mã cổ phiếu nhỏ luôn đối mặt với tình trạng giá trị giao dịch trung bình ngày đạt thấp.

Một hướng đi tháo gỡ thế “bí” này với các nhà đầu tư lớn nước ngoài là tạo thêm vốn. Chẳng hạn Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) cho biết SAM đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập hai quỹ mới, bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại cả trong và ngoài Việt Nam.

Còn PXP từ cuối năm 2008 đã manh nha ý tưởng lập một quỹ mở (open-fund) tại Việt Nam mang tên PXP Vietnam Value Fund với quy mô dự kiến tối đa 200 triệu USD và khởi đầu hoạt động ở mức 20 triệu USD vào khoảng 20 loại cổ phiếu tốt của Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo khẳng định của ông Kevin Snowball, “mọi kế hoạch vẫn đang trong quá trình tính toán, chưa được hoàn tất”.

Trên thực tế, theo đánh giá của ông Nguyễn Hải Hà (HFM), đây là thời điểm không thuận lợi cho việc huy động thêm vốn, đặc biệt là vốn từ bên ngoài vào Việt Nam. “Bản thân các nhà đầu tư bên ngoài đang gặp nhiều khó khăn và nếu so sánh thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường lân cận và trong khu vực, tính hấp dẫn chưa cao khiến khả năng sinh lợi đầu tư của họ thấp nên việc huy động thêm vốn vào Việt Nam lúc này, theo tôi, là rất khó”, ông Hà nói.

Nhìn chung, ông Hà cho rằng trong một tương lai gần, các nhà đầu tư nước ngoài lớn có thể sẽ tiếp tục “thế thủ”, theo cách thức bảo toàn vốn và tránh lỗ thêm, hơn là mở rộng danh mục đầu tư như cách đây vài năm.