09:29 28/10/2020

Nhà đầu tư Nhật có đang "tháo chạy" khỏi Bất động sản An Gia?

Kim Phong

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của AGG cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của AGG đều âm trong 9 tháng vừa qua

Các giao dịch bán ra cổ phiếu AGG - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia của khối ngoại diễn ra liên tiếp trong thời gian qua trong bối cảnh các chỉ tiêu tài chính không mấy tích cực. 

KHỐI NGOẠI LŨ LƯỢT BÁN CỔ PHIẾU

Thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, Hourai Consulting Ltd - tổ chức có liên quan đến ông Masakazu Yamaguchi, thành viên Hội đồng quản trị AGG vừa bán ra 100.000 cổ phiếu trong giai đoạn từ 18/9 đến 6/10.

Sau giao dịch, Hourai Consulting còn nắm giữ 422.253 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,512%.

Trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến Korea Invesment Management cũng vừa bán 1,5 triệu cổ phiếu AGG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,27% xuống còn 4,45% và không còn là cổ đông lớn tại An Gia từ ngày 16/10.

Nhà đầu tư Nhật từng mong muốn đi đường dài với doanh nghiệp là Creed Investment VN-1 Ltd (thuộc Creed Group) từng sở hữu 12,11% cổ phần hồi đầu năm cũng đã bán phần lớn cổ phần, đưa tỷ lệ sở hữu xuống còn 5,5% hồi giữa tháng 10 vừa qua.

Bắt đầu từ đầu tháng 7, giao dịch khối ngoại tại AGG đã trở nên sôi động hơn, nhưng lại theo chiều hướng bán là chủ yếu. Các giao dịch mua diễn ra lẻ tẻ với số lượng ít trong khi giao dịch bán tung ra liên tục, có phiên khối ngoại bán ròng gần 3,5 triệu cổ phần.

Theo báo cáo thường niên 2019 của AGG, hồi đầu năm, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại AGG vẫn còn 28%. Thế nhưng đến nay, con số này đã rớt xuống 14,76%.

DOANH THU LẸT ĐẸT, LÃI RÒNG ĐẾN TỪ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 vừa qua của AGG cho thấy trong riêng quý 3, doanh thu thuần chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ 3 tháng cũng như 9 tháng, AGG không ghi nhận doanh thu từ bán căn hộ, doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị.

Lợi nhuận gộp cả quý chỉ đạt 1,4 tỷ đồng, bằng 2,7% lãi gộp cùng kỳ. Như vậy, biên lợi nhuận gộp của AGG giảm từ 82% quý 3/2019 chỉ còn 10% quý 3 vừa qua.

Nhờ việc không còn lỗ từ công ty liên kết và hoạt động khác, doanh thu hoạt động tài chính còn đạt 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế cả quý vẫn đạt 2,5 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lợi nhuận này vẫn sụt giảm 46%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 73,7 tỷ đồng, giảm 70%. Tuy vậy do doanh thu tài chính tăng mạnh đã khiến cho lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 149%, đạt 195,5 tỷ đồng. Lãi ròng cho cổ đông công ty mẹ đạt 198,4 tỷ đồng.

Kết quả này còn cách rất xa so với mục tiêu 2.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 410 tỷ lãi ròng của AGG đặt ra và được cổ đông thông qua. ROE 9 tháng chỉ mới đạt 10%, cách xa so với mục tiêu 52% của AGG đưa ra trong bản cáo bạch niêm yết.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của AGG cũng cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của AGG cũng âm trong 9 tháng vừa qua, lần lượt -191 tỷ đồng và -94,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, hai mảng này cũng không thoát khỏi cảnh lưu chuyển tiền âm.

Trong kỳ, cụ thể là ngày 26/6, AGG đã mua thêm 5% cổ phần để nắm quyền kiểm soát công ty Hoàng Ân (trước là công ty liên kết), tỷ lệ sở hữu của AGG tăng từ 45,01% lên 50,01%. Ngoài ra, AGG cũng đồng thời nắm quyền kiểm soát Phước Lộc do Hoàng Ân sở hữu 99,98% quyền biểu quyết trong công ty.

Nhờ đó, phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào nhóm công ty Hoàng Ân được ghi nhận vào mục doanh thu hoạt động tài chính.

Tới ngày 30/9, AGG lại chuyển nhượng 60% cổ phần sở hữu trong Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Sơn Lâm, đưa tỷ lệ sở hữu xuống còn 39,99%. Nhờ đó, quý 3 tiếp tục ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính hơn 41 tỷ đồng.

Về tài sản, tiền của AGG đang mang đi đầu tư trái phiếu khá lớn. Các khoản tương đương tiền cuối quý 3 là 246,6 tỷ đồng, gấp gần 4 lần hồi đầu năm. Đây là các khoản đầu tư ngắn hạn vào trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory, Công ty Cổ phần Azura, Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 2, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land và các khoản tiền gửi ngắn hạn 1-3 tháng tại ngân hàng.

AGG còn mang 446,7 tỷ đồng cho các bên vay tín chấp, hưởng lãi suất thỏa thuận từ 5-11%. Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (gửi ngân hàng) của AGG cũng đang chiếm 102,7 tỷ đồng.

Trong kỳ, hàng tồn kho của AGG tăng mạnh từ 2.611 tỷ đồng lên 5.189 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản doanh nghiệp.

Nợ phải trả của doanh nghiệp tăng mạnh 73% so với đầu năm, tăng lên 6.845 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, khoản vay từ trái phiếu phát hành hơn 777 tỷ đồng cũng mới xuất hiện trên báo cáo của AGG. Tổng nợ vay của công ty này cuối kỳ là 1.733 tỷ đồng, tăng 62% so với hồi đầu năm.