Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga được đưa đến Bắc Cực
Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga đã cập cảng Murmansk ở Bắc Cực vào cuối tuần vừa rồi
Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga đã cập cảng Murmansk ở Bắc Cực vào cuối tuần vừa rồi để chuẩn bị cho lần hoạt động đầu tiên, cung cấp điện cho một thị trấn Nga xa xôi nằm bên bờ eo biển Bering.
Theo tin từ Reuters, nhà máy điện hạt nhân nổi này có tên Akademik Lomonosov. Rosatom - công ty điện hạt nhân quốc doanh Nga chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành Akademik Lomonosov - nói rằng nhà máy này có thể đi tiên phong về một nguồn năng lượng mới cho những khu vực xa xôi trên hành tinh.
Trong khi đó, một số tổ chức môi trường bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) gọi nhà máy điện hạt nhân nổi nói trên là "Titanic hạt nhân".
Rosatom cho biết nhà máy điện hạt nhân nổi này được xây dựng ở St Petersburg. Sau đó, nhà máy đã được kéo tới cảng Murmansk và neo đậu tại đây.
Tại Murmansk, Akademik Lomonosov sẽ được cung cấp năng lượng hạt nhân, sau đó sẽ được kéo đến thị trấn Pevek ở Chukotka thuộc vùng Viễn Đông. Thị trấn này chỉ cách bang Alaska của Mỹ 86 km qua eo biển Bering. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu phát điện tại đây vào năm tới.
Nhà máy điện hạt nhân này sẽ thay thế cho một nhà máy nhiệt điện và một nhà máy điện hạt nhân đã cũ vốn là nguồn cung cấp điện cho hơn 50.000 người ở Chukotka - Rosatom cho hay.
Rosatom từ lâu đã có kế hoạch về các nhà máy điện nổi trên biển. Sự di động và công suất phát điện vừa phải của các nhà máy này phù hợp với các khu vực xa xôi. Rosatom nói những nhà máy điện như vậy sẽ giúp ích cho môi trường thông qua giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vốn được cho là thủ phạm làm Trái Đất nóng lên.
Những nhà máy điện hạt nhân nổi cỡ nhỏ như Akademik Lomonosov được thiết kế để có thể cung cấp điện cho những địa phương xa xôi của Nga. Các nhà máy này có thể hoạt động không dừng trong 3-5 năm mà không cần tiếp nhiên liệu.
Một số nhóm bảo vệ môi trường, bao gồm Greenpeace, đã gửi thư cho Giám đốc Rosatom là ông Alexei Likhachyov đề nghị tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn và nói rằng họ đang theo dõi nhà máy điện hạt nhân nổi "với mối lo ngại lớn".
"Các lò phàn ứng hạt nhân di chuyển quanh Bắc Băng Dương sẽ đặt ra mối đe dọa lớn đối với một môi trường mong manh vốn chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu", chuyên gia Jan Haverkamp của Greenpeace nói trong một tuyên bố hồi tháng 4.