12:18 14/12/2024

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam vào đầu tháng 2/2025

Phạm Vinh

Kể từ tháng 2/2005 đến nay, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia hơn 90 tỷ kWh, chiếm 8% tổng công suất của Việt Nam, cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các tỉnh phía Nam…

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 là dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đầu tiên được cấp phép thông qua đấu thầu quốc tế.
Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 là dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đầu tiên được cấp phép thông qua đấu thầu quốc tế.

Tối 13/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông tổ chức kỷ niệm 20 năm hoạt động của Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2. Đây là dự án được thành lập từ một tổ hợp các tập đoàn thương mại và năng lượng, gồm: EDF (Pháp), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), JERA (Nhật Bản) và Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông vận hành.

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 là dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đầu tiên được cấp phép thông qua đấu thầu quốc tế và được tài trợ hoàn toàn bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Dự án có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, được tài trợ 25% từ các cổ đông và 75% từ các ngân hàng và định chế tài chính như: Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Xúc tiến và Tham gia Hợp tác Kinh tế (PROPARCO).

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết kể từ khi bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 2/2005 đến nay, nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 đã phát điện lên hệ thống tổng cộng hơn 90 tỷ kWh.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN: "Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia".
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN: "Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia".

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 nằm trong Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một địa điểm chiến lược cho lưới điện quốc gia, với 6 nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp, chiếm 8% tổng công suất phát điện của Việt Nam tính đến năm 2023.

“Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các tỉnh phía Nam xét trên cả khía cạnh công suất và điện năng”, ông Nam khẳng định.

Theo ông Nam, nhu cầu về điện sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ cao, trung bình khoảng 11% trong năm 2025. Để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của phụ tải, EVN đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt về xây dựng phát triển các công trình nguồn điện và nâng cao năng lực lưới điện truyền tải nói chung và đặc biệt là các công trình nguồn và lưới điện của khu vực phía Nam.

Trên cơ sở đó, EVN đề nghị Công ty Năng lượng Mê Kông tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, đảm bảo chất lượng công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo các tổ máy khi bàn giao cho EVN luôn sẵn sàng phát điện an toàn, ổn định, đáp ứng yêu cầu huy động của Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia.

Ông Augusto Soares Dos Reis, Tổng giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông, cho biết dự án này đã đáp ứng một số lợi ích quan trọng đối với Việt Nam như tăng cường công suất phát điện ở miền Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Ngoài ra, do sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ mỏ khí Nam Côn Sơn, nằm ngoài khơi thành phố Vũng Tàu, nhà máy đã đóng góp vào sự độc lập về năng lượng của quốc gia. Đồng thời, áp dụng công nghệ chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên, một công nghệ tiên tiến với hiệu suất cao hơn và phát thải khí nhà kính thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện than.

Theo hợp đồng BOT, dự kiến vào ngày 4/2/2025, Công ty Năng lượng Mê Kông sẽ chuyển giao nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 chu trình hỗn hợp sử dụng khí sau 20 năm vận hành cho cơ quan chức năng của Việt Nam.