11:31 06/04/2010

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: “Thực tế đã nhận bàn giao”

Từ Nguyên

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Vietnam nói về hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và việc đầu tư ngoài ngành của tập đoàn

Ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng.
Nhiều vấn đề liên quan đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của công luận.

Nổi lên trong đó là thời điểm bàn giao nhà máy, các tồn tại kỹ thuật cũng như công tác sữa chữa, bảo hành và trách nhiệm nhà thầu đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; việc Petro Vietnam đề xuất tiếp nhận một số doanh nghiệp xăng dầu hay việc chậm tiến độ một số dự án lớn...

"Những thông tin mà báo chí đăng tải trong thời gian qua liên quan đến Petro Vietnam nói chung và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là tương đối chính xác, phản ánh đúng tình hình thực tế", Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) Đinh La Thăng nói trong cuộc trao đổi trực tiếp với VnEconomy.

Song theo ông, "nhiều yếu tố cung cấp đi kèm tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại chưa được đồng bộ nên trong quá trình chạy thử bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. Mong báo chí thông tin đúng thực tế, làm rõ bản chất vấn đề để tránh dư luận có những suy nghĩ, cách nhìn nhận không đúng về dự án lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, đặc biệt là về tiến độ bàn giao nhà máy và các tồn tại kỹ thuật".

Nhà thầu đã “rút hết”

Vậy bao giờ Petro Vietnam có thể “chốt” thời gian nhận bàn giao nhà máy, thưa ông?

Về thời điểm tiến hành bàn giao nhà máy, tôi xin được giải thích rõ như sau: việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bao gồm tất cả 7 gói thầu EPC, trong đó có gói 5a, 5b và gói 7 đã được tổ hợp nhà thầu bàn giao cho Petro Việt Nam trong năm 2008 và 2009.

Hiện còn bốn gói thẩu 1, 2, 3 và 4, trong đó gói 2 và 4 đã hoàn thành việc chạy thử cũng như khắc phục tất cả các sự cố. Duy chỉ còn gói 1 và 3, dù vẫn còn 1 số tồn tại kỹ thuật song về cơ bản cũng đã vận hành ổn định.

Xét thấy những tồn tại kỹ thuật trên không ảnh hưởng đến vận hành bình thường của nhà máy nên chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã cho phép về nguyên tắc Petro Vietnam được phép đàm phán với nhà thầu để khi có điều kiện sẽ tiến hành nhận bàn giao cả 4 gói còn lại.

Trên thực tế, tôi có thể khẳng định, đến thời điểm này Petro Vietnam đã nhận bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện phía nhà thầu chính Technip đã rút hết, chỉ còn đúng hai người ở lại trên nhà máy. Tất cả các cán bộ, công nhân viên đang vận hành nhà máy hiện nay là người Việt Nam và một số người của nhà thầu tư vấn vận hành. Chẳng hạn như việc nạp dầu thô vào nhà máy hiện nay là do chúng ta tự tiến hành cục bộ.

Như vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định các điều kiện để chúng tôi ký nhận bàn giao nhà máy là đã đủ. Tuy nhiên, trước khi ký biên bản bàn giao, Petro Vietnam cần phải có đàm phán với nhà thầu Technip, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến việc phạt trong hợp đồng.

Cuối tháng 4 sẽ ký nghiệm thu

Nhà thầu đã rút hết, vậy thì việc xử lý các tồn tại kỹ thuật của nhà máy sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Nếu chúng ta tiến hành ký nhận sớm quá sẽ gây bất lợi cho quá trình đàm phán. Nhưng thực tế Petro Vietnam đã nghiệm thu và đã tự vận hành rồi. Vấn đề còn lại chỉ là thủ tục ký nghiệm thu còn thực tế là chúng tôi đã nhận bàn giao nhà máy rồi. Những thủ tục này dự kiến sẽ được chúng tôi triển khai vào cuối tháng 4 này.

Hơn nữa, trước khi nghiệm thu nhà máy thì Petro Vietnam và hội đồng nghiệm thu đã báo cáo Thủ tướng, vẫn còn một số lỗi nhất định cần phải khắc phục ngay cả sau khi đã nghiệm thu.

Còn việc sau này có hỏng hóc gì đó thì vẫn thuộc trách nhiệm của nhà thầu vì trong hợp đồng là nhà máy được bảo hành hai năm kể từ ngày ký nhận bàn giao.

Những tồn tại nêu ra có những cái có thể khắc phục được ngay, nhưng có những cái cần phải có thời gian, chẳng hạn như việc thay van sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nhà máy. Do đó, chúng tôi quyết định cứ tiếp tục cho chạy, đến kỳ bảo dưỡng thì sẽ cho tiến hành sửa chữa, thay thế.

Hơn nữa, có khá nhiều chi tiết của nhà máy là do nhà thầu phụ nước ngoài đảm nhận, nên việc khắc phục các tồn tại là có thể đảm bảo được.

Đầu tư ngoài ngành đều lãi

Vừa qua, nhiều ý kiến quan tâm đến việc tại sao Petro Vietnam đề xuất tiếp nhận Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư Petec, bởi hiện có khá nhiều quan điểm trái chiều về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này?

Tôi cũng thông báo luôn, việc tiếp nhận Petec trở thành thành viên của Petro Vietnam đã được chúng tôi hoàn tất trong ngày 1/4 vừa qua.

Lý do tiếp nhận là bởi, việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động bắt buộc chúng tôi phải tổ chức một mạng lưới tiêu thụ sản phẩm với sản lượng từ 6 - 6,5 triệu tấn/năm.

Do đó, cần phải tổ chức thêm một số hệ thống tiêu thu hoặc tiếp nhận các đơn vị có sẵn, trong đó có Petec. Thậm chí, Petro Vietnam còn đề nghị được nhận thêm một số đơn vị kinh doanh xăng dầu hiện đang do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước quản lý.

Tôi cũng thừa nhận, hiện đang có nhiều thông tin khác nhau về Petec, tất nhiên là phải căn cứ trên những báo cáo, những con số cụ thể của Kiểm toán Nhà nước. Vào ngày 7/4 tới, chúng tôi sẽ có buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo Petec để nghe họ báo cáo về kết quả kinh doanh trong vòng 5 năm qua và định hướng sắp tới.

Nhưng tôi cũng xin lưu ý, có thể tại một thời điểm nào đó họ có gặp khó khăn, song với một doanh nghiệp đã được nhận danh hiệu Anh hùng lao động, chúng tôi cũng tin tưởng vào doanh nghiệp này vì thực tế đây là một doanh nghiệp tiềm năng.

Ông giải thích thế nào về việc có thông tin cho rằng nhiều dự án quan trọng của Petro Vietnam đang bị chậm tiến độ? Ngoài ra, hiệu quả đầu tư ngoài ngành của Petro Vietnam trong thời gian qua ra sao, thưa ông?

Thông tin chúng tôi chậm tiến độ các án quan trọng là không chính xác. Tất nhiên là trong một vài thời điểm cụ thể có chậm nhưng tổng thể hoàn toàn không có chậm tiến độ.

Việc lùi thời hạn nhận bàn giao kho nổi FSO - 5 là do hiện nay vẫn còn một số việc cần hoàn thiện nên chúng tôi thống nhất là đến cuối tháng 4, với điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn sẽ tiến hành bàn giao. Điều này không gây thiệt hại gì cho Petro Vietnam cũng như Vinashin.

Còn việc đầu tư ngoài ngành của Petro Vietnam đã được chúng tôi báo cáo Thủ tướng hàng quý, hàng năm.

Đầu tư ngoài ngành hiện nay của Petro Vietnam không quá 4% và tất cả đều đang hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, việc đầu tư tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí, trước đây, chúng tôi đã đầu tư 1.500 tỷ vào vốn điều lệ, nhưng đến thời điểm này Petro Vietnam đã bán 36% cổ phần và đã thu về được 1.400 tỷ đồng, tức là cơ bản đã thu về số vốn bỏ ra nhưng đã có được một doanh nghiệp xây lắp rất mạnh mà không mất đồng tiền nào cả.

Hoặc tại Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC), chúng tôi bỏ ra 5.000 tỷ để thành lập, nhưng hiện đã bán 22% cổ phần và đã thu về 9.000 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tại nhiều công ty khác cũng đều đã thu về lãi lớn.