16:16 19/05/2008

Nhà nông Mỹ sắp nhận khoản trợ cấp khổng lồ

Trung Việt

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật trợ cấp nông nghiệp gây tranh cãi, có trị giá tới 290 tỷ USD

Chính nhờ các khoản trợ cấp của Liên bang mà nhiều trang trại ở Mỹ đã chuyển đổi mô hình từ trang trại gia đình quy mô nhỏ truyền thống thành tập đoàn nông nghiệp trang bị công nghệ hiện đại, làm biến đổi bộ mặt nông thôn.
Chính nhờ các khoản trợ cấp của Liên bang mà nhiều trang trại ở Mỹ đã chuyển đổi mô hình từ trang trại gia đình quy mô nhỏ truyền thống thành tập đoàn nông nghiệp trang bị công nghệ hiện đại, làm biến đổi bộ mặt nông thôn.
Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật trợ cấp nông nghiệp trị giá tới 290 tỷ USD, bao gồm trợ cấp cho nông dân và trợ giúp lương thực cho các hộ gia đình nghèo. Tuy nhiên, ngay trong Hạ viện Mỹ cũng có nhiều tranh cãi về dự luật này.

Dự luật trợ cấp nông nghiệp nói trên được một số nghị sĩ Mỹ đồng bảo trợ, trong bối cảnh giá lương thực-thực phẩm leo thang chóng mặt và trợ cấp nông nghiệp của Mỹ luôn là vấn đề nóng trong các vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu.

Thiếu trợ cấp, nông nghiệp Mỹ không phát triển

Theo dự luật này, Mỹ sẽ dành phần lớn (khoảng 2/3) số tiền 290 tỷ USD đầu tư cho các chương trình dinh dưỡng như mở rộng chương trình dán tem bảo đảm cho các mặt hàng lương thực và trợ giúp lương thực khẩn cấp cho người nghèo. Số tiền còn lại sẽ được dùng để trợ giá cho nông dân, phát triển nhiên liệu sinh học và các chương trình môi trường.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ, ông Collin Peterson, dự luật này sẽ bảo đảm mọi người Mỹ đều được tiếp cận nguồn trợ cấp lương thực rẻ, an toàn và mang lại lợi nhuận chắc chắn cho nông dân và chủ trang trại. Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cũng cho rằng dự luật sẽ làm tăng đáng kể sáng kiến về dinh dưỡng, giúp 38 triệu gia đình Mỹ có thực phẩm an toàn. Ngoài ra, dự luật cũng đề cập tới việc mở rộng các chương trình nghiên cứu và phát triển nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng và một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cho rằng dự luật này "quá đắt đỏ" và là một sự "rộng rãi quá mức cần thiết" đối với nhà nông đang ăn nên làm ra. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, ông John Boehner, cho rằng dự luật trên mang nặng dấu ấn của các nhà tài trợ cho những dự án "ưa thích" của các nghị sĩ đến từ các bang nông nghiệp.

Sở dĩ Mỹ đầu tư lớn cho các khoản trợ cấp nông nghiệp, vì các nhà chính trị thuộc các bang nông nghiệp ở Mỹ thừa nhận, nếu không có trợ cấp mỗi năm hàng tỷ USD của Chính phủ Liên bang thì ngành nông nghiệp, chủ yếu dưới dạng trang trại gia đình quy mô vừa và nhỏ, sẽ bị phá sản, đe doạ tới nguồn an ninh lương thực quốc gia.

Chính nhờ các khoản trợ cấp của Liên bang mà nhiều trang trại ở Mỹ đã chuyển đổi mô hình từ trang trại gia đình quy mô nhỏ truyền thống thành tập đoàn nông nghiệp trang bị công nghệ hiện đại, làm biến đổi bộ mặt nông thôn.

Vấn đề gây tranh cãi trong WTO

Theo số mới nhất, trợ cấp của Chính phủ Mỹ cho nông dân nước này tăng từ 10,1 tỷ USD năm 2003 lên 18,9 tỷ USD năm 2005 và vọt lên 25 tỷ USD năm 2006. Mỹ không đưa ra số liệu năm 2007, nhưng các chuyên gia dự đoán, con số này giảm còn khoảng 11 tỷ USD, do giá hàng hoá cao giúp làm giảm nhu cầu trợ cấp cho nông dân. Số tiền trợ cấp này chủ yếu đầu tư cho các trang trại lớn.

Quy mô trang trại gia đình lớn ở Mỹ là những trang trại có thu nhập từ hơn 250.000 USD/năm trở lên. Số trang trại loại này chỉ chiếm 7%, nhưng hàng năm sản xuất ra lượng hàng hoá chiếm gần 60% tổng khối lượng hàng hoá nông sản của Mỹ. Tổng mức trợ cấp mà số trang trại này nhận hàng năm chiếm 54% tổng trợ cấp của Chính phủ cho ngành này.

Từ năm 1989 - 2003, tỷ lệ tiền trợ cấp của Chính phủ cho các gia đình nông dân có thu nhập từ 500.000 USD/ năm trở lên đã tăng 13 - 32% tổng ngân sách trợ cấp, trong khi tỷ lệ trợ cấp dành cho trang trại vừa và nhỏ giảm từ 63% xuống 43%.

Vấn đề trợ cấp nông sản của các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ luôn nóng bỏng trên các bàn đàm phán của WTO. Đây vốn được coi là vấn đề hết sức nhạy cảm trong đàm phán về tự do thương mại, bởi thực tế nước nào cũng muốn trợ cấp để đảm bảo an ninh lương thực.

Hiện các quốc gia đang phát triển kêu gọi các nước giàu xoá bỏ trợ cấp này để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn. Vì trợ cấp làm giảm giá bán, khiến các trang trại nhỏ không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế và các nước nghèo gặp nhiều khó khăn hơn do phải chịu sự cạnh tranh không công bằng trong xuất khẩu nông sản.

Các nhà đàm phán WTO đã đề xuất mức trợ cấp đối với nông dân Mỹ là từ 12,8-16,2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, gần đây nhiều ý kiến cho rằng, với giá nông sản cao như hiện nay, nông dân không cần trợ cấp nhiều và trợ cấp nông nghiệp không còn là rào cản lớn của vòng đàm phán Doha.