09:43 01/06/2023

Nhà ở xã hội đang "chịu trận" bởi thủ tục hành chính

Thanh Xuân

Theo một doanh nghiệp, các khu đất thuộc đơn vị đã có quy hoạch của UBND TP.Hà Nội từ năm 2015, rất chi tiết về mật độ, chiều cao, dân số. Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục làm nhà ở xã hội phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án đối với một khu đất…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm gỡ tháo gỡ điểm nghẽn cho nhà ở xã hội do báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia đánh giá: vướng mắc thủ tục hành chính là vướng mắc phổ biến. Trong phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nào cũng mong muốn thủ tục đơn giản, không cồng kềnh. Nhưng thực tế lại có biểu hiện phức tạp hơn dù chủ trương cải cách hành chính được thực hiện từ lâu.

CẦN ĐẾN 500 NGÀY ĐỂ XIN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ, doanh nghiệp có hai khu đất sạch ở quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Các khu đất đã có quy hoạch của UBND TP.Hà Nội từ năm 2015 rất chi tiết về mật độ, chiều cao, dân số… Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục làm nhà ở xã hội, Hòa Bình Group phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án làm nhà ở xã hội cho một khu đất. Khu đất còn lại hy vọng sớm xem xét cấp chủ trương đầu tư vì tất cả đều đúng pháp luật.

Qua câu chuyện của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nêu ý kiến, mặc dù dự án đất của tư nhân nhưng thủ tục vẫn phức tạp. Điều đó cũng cho thấy một trong những khó khăn phải tháo gỡ là thủ tục hành chính, tránh tình trạng "đẻ" ra thêm nhiều thủ tục con.

“Tôi nhớ khi làm ở Bộ Tài nguyên-Môi trường, chúng tôi gửi văn bản đi các nơi, sau 5 ngày nếu không có ý kiến thì coi như đồng ý. Nhưng bây giờ, chúng ta cứ phải chịu trận các thủ tục hành chính dài dòng, phức tạp. Mà ai trả chi phí cho cái đó? Chính nhà đầu tư phải trả bởi dự án nằm yên một ngày đương nhiên chi phí chuẩn bị đầu tư đọng lại, lãi suất tăng lên… Tôi cho rằng thủ tục hành chính là vấn đề đáng quan tâm cho những khu vực có nhà ở xã hội. Chúng ta cần tiết kiệm chi phí để tạo lập nó”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Đưa ra ý kiến, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội nhận xét, về chủ trương giảm thủ tục hành chính, nhiều cơ quan ban, ngành đã có lộ trình giảm thời gian thực hiện các đầu việc. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt là giảm các đầu việc trong trình tự thủ tục hành chính.

Đơn cử đã có thủ tục chủ trương đầu tư rồi thì không cần thẩm định thiết kế cơ sở… như vậy sẽ giảm bớt thời gian. Hay việc lựa chọn chủ đầu tư, khi xác định doanh nghiệp có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy tất cả đều đủ điều kiện nên cho bốc thăm. Còn nếu thực hiện theo đấu thầu, thủ tục phải mất gần 2 năm, chưa kể thủ tục khác như giải phóng mặt bằng… thời gian triển khai dự án chắc chắn rất lâu.

PHẢI CÓ THIẾT KẾ RIÊNG 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, theo ông Bùi Tiến Thành, với dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, nên quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu nhưng trên tinh thần tinh gọn, để sớm thêm nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân.

“Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại. Có như thế mới thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng, giúp tăng nguồn cung và thúc đẩy ngành nghề vật liệu xây dựng, điện, nội thất… phát triển”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ quy định thủ tục hành chính không cần thiết trong triển khai dự án nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Thành, thời gian gần đây, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về diện tích đất công nằm xen kẹt dạng “xôi đỗ” thuộc phạm vi ranh giới dự án nhà ở, nhà ở xã hội. Đất công nằm trong phạm vi ranh giới rất khó để thu hồi, giao đất, nghĩa là thủ tục giải phóng mặt bằng cần phải có quy định giải quyết cụ thể. Từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Thông tin thêm về tình hình liên quan, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ và Chính phủ đồng ý trình ra Quốc hội. Dự kiến tháng 6, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vào tháng 10. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các quy định, giải pháp nhằm giải quyết những bất cập về thể chế chính sách đối với nhà ở xã hội. “Theo tờ trình Chính phủ đang trình Quốc hội, các quy định sẽ sớm có hiệu lực”, đại diện Bộ Xây dựng cho hay.