20:44 27/05/2023

Quốc hội giám sát để gỡ khó cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết

Quang Trung

Tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 ngày 27/5, nhều đại biểu Quốc hội quan tâm tới chuyên đề 4 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan...

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với việc đưa chuyên đề về chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau, có liên quan vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tập trung hơn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội bởi chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Trước năm 1992, Nhà nước đã thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước; đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh Nhà ở, chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu trong Luật Nhà ở năm 2005 với ý nghĩa nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội.

Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác và để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, trong quá trình thực hiện thì cũng còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là cho đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đặt ra.

"Thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm không có người tham gia, trong khi đó có nơi số lượng người tham gia lại quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau", đại biểu cho biết. 

Do đó, để phát triển nhà ở xã hội thực sự đạt yêu cầu, đại biểu cho rằng mục đích xã hội cần phải định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội.

Đại biểu cũng cho rằng nội dung giám sát cần trả lời được các vấn đề tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào?

"Do đó, đề nghị phạm vi giám sát cần phải toàn diện, cần có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở. Vì vậy, đề nghị thời gian giám sát bắt đầu từ năm 2006, thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở năm 2005 cho đến hết năm 2023", đại biểu kiến nghị.

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho rằng chuyên đề 4 là chuyên đề hết sức quan trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm vừa qua cần phải có giải pháp để tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về thể chế.

"Vì vậy, việc Quốc hội giám sát để tháo gỡ những nội dung trên cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết", đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu, để thực hiện chuyên đề 4 được hiệu quả, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát về trật tự, an toàn giao thông cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp.

"Bởi vì, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dự kiến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2024. Do vậy, thay vì tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề thì có thể giao cho các Ủy ban thẩm tra của Quốc hội trong quá trình thẩm tra các dự án luật này, tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn để sửa đổi trực tiếp các quy định trong các dự án luật liên quan", đại biểu phân tích.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn.

Kết luận về những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, năm 2004 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội 13.

Đây cũng là năm Quốc hội tiến hành xem xét, thảo luận và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì vậy, việc triển khai Chương trình giám sát 2024 với nhiều nội dung tiếp tục đổi mới, cải tiến sẽ là cơ sở quan trọng để sửa đổi các quy định pháp luật về hoạt động giám sát nói riêng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung theo đúng tinh thần giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 - Ảnh: Quochoi.vn

Trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, Nghị quyết về thành lập các đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội trong kỳ họp.