17:25 05/09/2023

Nhà thầu chậm trễ thi công gây hụt tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Anh Tú

Tiến độ giải ngân 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hiện chậm so với yêu cầu đề ra, trong đó, nguyên nhân chủ quan là nhà thầu xây lắp chậm trễ trong công tác triển khai thi công khi huy động thiết bị, nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu...

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hiện chậm khoảng 1,39% so với kế hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hiện chậm khoảng 1,39% so với kế hoạch.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

NGHIỆM THU CHẬM TRỄ, HUY ĐỘNG NHÂN SỰ, MÁY MÓC CHƯA ĐẠT YÊU CẦU

Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức 3 đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ chủ trì tiến hành kiểm tra đối với 6 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Bùng - Vạn Ninh; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Vân Phong - Nha Trang; Hậu Giang - Cà Mau.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy các chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, các đơn vị tư vấn có nhiều cố gắng, nỗ lực, khắc phục khó khăn, quyết tâm triển khai dự án theo tiến độ đề ra; công tác giải phóng mặt bằng cũng được các địa phương quan tâm, quyết liệt thực hiện.

Tuy nhiên, nhìn chung các dự án công tác triển khai trên hiện trường, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra và còn gặp một số vướng mắc.

Liên quan đến tình trạng chậm tiến độ hiện nay tại một số dự án, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ ngoài một số nguyên nhân khách quan như: vướng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, bãi đổ thải, đáng chú ý còn có nguyên nhân chủ quan là do nhà thầu xây lắp chậm trễ trong công tác triển khai thi công.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ nhiều nhà thầu xây lắp huy động thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, nhân sự làm hồ sơ nội nghiệp của nhà thầu rất thiếu, chưa đáp ứng theo tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh toán, đặc biệt nhân sự làm công tác thanh toán.

Bên cạnh đó, công tác lập lại tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết theo thực tế hiện trường chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức.

 

Quá trình xử lý hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của ban quản lý dự án thực tế (trung bình khoảng từ 10-16 ngày) còn chậm so với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải (6 ngày).

Nhân sự tham gia công tác quản lý dự án trực tiếp tại hiện trường của các ban còn mỏng, chỉ trung bình 6 người so với khối lượng công việc "đồ sộ" được giao như: xử lý công việc hiện trường; kiểm tra và phê duyệt bản vẽ thi công, tiến độ thi công, nghiệm thu...

Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ô tô phục vụ công tác kiểm tra hiện trường còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô của dự án, còn có trường hợp cá nhân thường xuyên phải sử dụng phương tiện riêng để phục vụ công việc...

Ngoài ra, còn một số vướng mắc, chưa thống nhất trong việc thanh toán với đơn giá chi tiết, đơn giá tổng hợp; khó khăn trong cách xác định đơn giá thanh toán vật liệu đắp do nhà thầu xây lắp được giao khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù nhưng các quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn xác định giá vật liệu đối với hình thức giao mỏ cho nhà thầu xây lắp nhưng phải thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, thuê đất, đền bù cây cối hoa màu theo mức giá thỏa thuận cao hơn so với mức giá đền bù giải phóng mặt bằng của địa phương.

Biểu mẫu và quy trình nghiệm thu công việc ẩn dấu, nghiệm thu chi tiết còn nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, chưa có sự thống nhất về thành phần tham gia nghiệm thu, trình tự nghiệm thu như: công tác đắp nền, cọc khoan nhồi, công tác bê tông; hay một số tiêu chuẩn áp dụng hết hiệu lực...

RÀ SOÁT LẠI TIẾN ĐỘ THI CÔNG

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, sớm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ các dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án trên cơ sở mặt bằng được bàn giao, nguồn cung vật liệu xây dựng, điều kiện thời tiết…. chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp rà soát, chuẩn xác lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết và có kế hoạch huy động triển khai cho phù hợp.

Từ đó có căn cứ kiểm soát tiến độ, huy động thiết bị và nhân lực, tổ chức các mũi thi công để đáp ứng tiến độ hoàn thành chung của dự án theo yêu cầu đã đề ra.

Cùng với đó, chủ động và linh hoạt tổ chức triển khai thi công trên công trường, không phụ thuộc vào mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng; huy động thiết bị thi công, nhân sự, đặc biệt các nhân sự làm nghiệm thu thanh toán đầy đủ theo yêu cầu của dự án.

Tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương để sớm trình UBND tỉnh, đẩy nhanh thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khai thác mỏ vật liệu của nhà thầu xây lắp.

Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư cũng cần chỉ đạo nhà thầu xây lắp khẩn trương đề xuất bổ sung (nếu cần) đối với các mỏ vật liệu chưa có trong danh mục mỏ vật liệu của dự án, để xem xét, chấp thuận; đồng thời rà soát, điều chỉnh quy định của hợp đồng (nếu cần thiết) liên quan đến việc xác định đơn giá thanh toán vật liệu đắp do nhà thầu xây lắp tự khai thác tại mỏ được cấp để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời tạo cơ chế chủ động cho nhà thầu và không vượt quá đơn giá vật liệu do địa phương công bố.

"Trên cơ sở quy định của hợp đồng, khẩn trương rà soát, xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của chủ đầu tư, ban điều hành dự án đảm bảo không quá 6 ngày theo chỉ đạo, công khai để các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan biết và thực hiện", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo chất lượng dự án.

Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cũng Cục Quản lý đầu tư xây dựng trên cơ sở tình hình thực tiễn triển khai thực hiện các dự án, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các mẫu hồ sơ nghiệm thu, quy trình thủ tục nghiệm thu thanh toán, nhằm thống nhất trong tất cả các ban quản lý dự án giảm thủ tục đảm bảo phù hợp với thực tiễn thi công trên công trường và các quy định pháp luật hiện hành.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn các ban quản lý dự án thực hiện việc nghiệm thu, thanh toán đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện khác quy định trong hợp đồng.

Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất, tham mưu, giải pháp thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có ý kiến.

Cùng với đó, thống nhất việc rà soát, điều chỉnh quy định của hợp đồng (nếu cần thiết) liên quan đến việc xác định đơn giá thanh toán vật liệu đắp do nhà thầu xây lắp tự khai thác tại mỏ được cấp để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời tạo cơ chế chủ động cho nhà thầu và không vượt quá đơn giá vật liệu do địa phương công bố.

 

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 729 km với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần.

Đến cuối tháng 8/2023, giá trị sản lượng hoàn thành toàn dự án khoảng 8.162,2 tỷ đồng đạt khoảng 9,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,39% so với kế hoạch.