00:07 12/07/2019

Nhà thầu dọa ngừng làm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội vì chậm thanh toán vốn

KIỀU LINH

Hiện các nhà thầu của dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội có ý kiến sẽ dừng thi công, thực hiện các gói thầu nếu không được thanh toán vốn

Nhà thầu doạ ngừng làm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội vì chậm thanh toán vốn.
Nhà thầu doạ ngừng làm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội vì chậm thanh toán vốn.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây có văn bản gửi Thủ tướng về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trung hạn 2016 - 2020 và cho phép tạm ứng vốn ngân sách thành phố trong trường hợp chậm cấp phát vốn từ trung ương cho dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.

Cụ thể, theo lãnh đạo Hà Nội, về kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương hàng năm, từ năm 2016 đến 2019, dự án được giao kế hoạch hơn 2.535 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016 được giao hơn 500 tỷ đồng, năm 2017 là hơn 1.647 tỷ đồng, năm 2018 là 310 tỷ đồng và năm 2019 là hơn 84 tỷ đồng.

Về nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2019, theo Chủ tịch Hà Nội, trong năm 2016 và 2017, dự án được giải ngân.

Năm 2018, do vướng trần kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên dự án chỉ được giao kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2018 là hơn 310 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng thực hiện đối với phần vốn nước ngoài cấp phát năm 2018 là hơn 695 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đang nợ thanh toán khối lượng thực hiện năm 2018 cho các nhà thầu hơn 395 tỷ đồng.

Năm 2019, nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm là hơn 1.395 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện kế hoạch năm 2019 mới được giao là hơn 84 tỷ đồng, chỉ đạt 6% so với nhu cầu giải ngân và đã được giải ngân hết.

Đến thời điểm hiện nay, Dự án nói trên đã thi công đạt hơn 49% khối lượng. Hiện các nhà thầu của dự án có ý kiến sẽ dừng thi công, thực hiện các gói thầu nếu không được thanh toán vốn.

Ngày 29/5/2019, Tư vấn Systra cũng đã thông báo buộc tạm dừng dịch vụ tư vấn từ ngày 17/6. "Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án nói trên", ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Theo văn bản của Hà Nội, tại Quyết định số 303 của Thủ tướng vào tháng 3/2019, người đứng đầu Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương cho Dự án nói trên là hơn 3.243 tỷ đồng, bổ sung hơn 791 tỷ đồng vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

Trên thực tế, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương hằng năm đã giao từ năm 2016 đến 2019 cho dự án là hơn 2.535 tỷ đồng. Như vậy, vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách có thể giao bổ sung kế hoạch năm 2019 là hơn 707 tỷ đồng.

"Trước mắt, để giải quyết thanh toán, nợ đọng của các nhà thầu nước ngoài, hạn chế phát sinh khiếu kiện... Thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án nói trên hơn 707 tỷ đồng", Chủ tịch Hà Nội đề nghị.

Lãnh đạo Hà Nội cũng thuyết phục Thủ tướng nếu ngân sách trung ương chưa kịp bố trí, đề nghị Thủ tướng chấp thuận ứng trước dự toán ngân sách trung ương cho dự án hoặc cho phép tạm ứng ngân sách của Hà Nội cho phần vốn ODA cấp pháp từ ngân sách trung ương.

Trước đó, liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) và Ghella S.p.A (Ý) đã có văn bản gửi đến Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị và UBND Thành phố Hà Nội đòi bồi thường 81 triệu USD với lý do dự án chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng thi công và dẫn đến nhiều khoản kinh phí phát sinh.

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban MRB, xác nhận tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công các ga ngầm từ công viên Thủ Lệ đến ga Hà Nội đang chậm. Tuy nhiên, theo ông Minh, khoản bồi thường 81 triệu USD mới là số liệu nhà thầu tự tính toán cung cấp, chưa được các đơn vị tư vấn giám sát Systra, tư vấn quản lý hợp đồng thẩm định, đánh giá.

Lãnh đạo MRB cũng cho rằng, theo quy định của hợp đồng sẽ có 3 bước để giải quyết các phát sinh, cụ thể bước 1 là hai bên trao đổi trên tinh thần hòa giải, hữu nghị xem xét các vấn đề mâu thuẫn, bước 2 đưa ra ban hòa giải và bước 3 mới đưa ra trọng tài quốc tế. 

"Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu phải rà soát, giải trình rõ sai khác so với hợp đồng gốc ban đầu, trách nhiệm các bên cũng như các chứng cứ liên quan, xác định giá trị tổn thất theo đúng các quy định của Việt Nam. Hiện nay hai bên đang ở bước trao đổi ở cấp độ hòa giải, theo quy định thời gian trao đổi trong 84 ngày", ông Minh nói.