Nhận định chứng khoán tuần 8-12/1: "Chưa tạo đỉnh ngắn hạn"
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần 8-12/1/2018
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần 8-12/1/2018.
Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 5/1, VN-Index giảm 7,10 điểm xuống 1.012,65 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 0,58 điểm xuống 118,92 điểm.
Tiếp tục diễn biến điều chỉnh
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
"Diễn biến điều chỉnh trong phiên cuối tuần có thể sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên đầu tuần tới trước áp lực chốt lời cao. Tuy nhiên, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 sẽ khiến dòng tiền có sự phân hóa cao và vẫn tìm đến các cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng kinh doanh tốt".
Phiên điều chỉnh là cần thiết
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Thị trường đã giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần do áp lực bán ra lớn tại các mã cổ phiếu thuộc ngành Ngân hàng, Chứng khoán và Bất động sản. Tuy nhiên, đáng chú ý là lực cầu của các nhà đầu tư cũng rất mạnh khiến cho thanh khoản trong phiên hôm nay tiếp tục được duy trì ở mức cao (một phần nhờ có HDB trong ngày chào sàn). BSC nhận định phiên hôm nay là phiên điều chỉnh cần thiết để khi giá các mã cổ phiếu đăng tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, với dòng tiền như hiện tại thì thị trường sẽ nhanh chóng lấy lại được đà tăng trong những tuần tiếp theo. Chúng tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017".
Có thể quay lại chiều tăng giá
(Công ty Cổ phần chứng khoán FPT - FPTS)
"Đà tăng của VN-Index đã tạm chững lại trong phiên cuối tuần, chỉ số đảo chiều giảm 7,10 điểm xuống đứng ở mức 1012,65 điểm. Với diễn biến này, nhiều khả năng VN-Index sẽ thực hiện nhịp hiệu chỉnh nhằm củng cố lại nền tảng giá cao vừa tạo lập. Trên khung thời gian Intraday, xu hướng tăng gia tốc bắt đầu từ phiên 02/01 đã bị phá vỡ bởi áp lực bán xuất hiện đột ngột trong phiên buổi sáng. Biến động sau đó của VN-Index là trạng thái giằng co rộng trong phạm vu 1012 – 1019 điểm. Những tín hiệu này ủng hộ cho quan điểm về sự hiệu chỉnh của chỉ số sau chuỗi phiên tăng mạnh liên tiếp. Thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh trong phiên hôm nay tuy nhiên nếu loại trừ khối lượng 32 triệu cổ phiếu HDB thì thanh khoản trên thị trường có thể tính là sụt giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Trong các phiên tuần tới, 02 mốc điểm cần lưu ý sẽ là khu vực 1010 điểm (tương ứng với đường xu hướng tăng tồn tại trên intraday M5 trước khi VNIndex thực hiện gia tốc) và 1000 điểm (SMA 5 ngày) do đây là các ngưỡng hỗ trợ có thể giúp VN-Index quay lại chiều tăng giá.
Nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ với các cổ phiếu cơ bản đang có vị thế tốt. Với các vị thế lướt sóng thì có thể tận dụng trạng thái điều chỉnh của chỉ số để tham gia những cổ phiếu đang được dòng tiền chú ý hoặc kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian tới".
Điều chỉnh ngắn hạn sẽ xuất hiện
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Sau nhiều phiên tăng điểm, hai chỉ số cùng quay đầu giảm điểm khi chạm kháng cự. Thanh khoản tăng cao cho thấp áp lực chốt lời lớn. Một nhịp điều chỉnh ngắn hạn khả năng cao sẽ xuất hiện. Đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư giải ngân tại các mức giá hấp dẫn hơn".
Chưa tạo đỉnh ngắn hạn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
"Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức Tích cực với ngưỡng hỗ trợ MA5 của VN-Index nằm tại 1005 điểm; của VN30 nằm tại 1000 điểm và ngưỡng hỗ trợ MA10 của HNX-Index nằm tại 117 điểm. Nhiều khả năng, quán tính giảm điểm của thị trường vẫn sẽ duy trì trong phiên giao dịch tới và các ngưỡng hỗ ngắn hạn nói trên sẽ được kiểm định lại. Hiện tại, VN-Index và HNXIndex vẫn còn khoảng cách nhất định với các ngưỡng cản trung hạn nằm tại vùng 1100 điểm hay 125 điểm, do đó chúng tôi cho rằng thị trường sẽ chưa tạo đỉnh ngắn hạn tại nhịp điều chỉnh này".
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.