06:33 06/01/2021

Nhận hối lộ gần 300 triệu USD, cựu 'sếp' tài chính Trung Quốc lĩnh án tử hình

Trang Linh

Ngoài việc nhận hối lộ số tiền khổng lồ, cựu chủ tịch công ty tài chính nhà nước này còn lạm dụng quyền hành khi chỉ tuyển những người cùng quê với mình

Lai Xiaomin, cựu chủ tịch công ty quản lý tài sản nhà nước China Huarong, lĩnh án tử vì tham nhũng - Ảnh: Getty Images
Lai Xiaomin, cựu chủ tịch công ty quản lý tài sản nhà nước China Huarong, lĩnh án tử vì tham nhũng - Ảnh: Getty Images

Theo tin từ Bloomberg, tòa án thành phố Thiên Tân, Trung Quốc đã tuyên án tử hình đối với Lai Xiaomin, cựu chủ tịch công ty quản lý tài sản nhà nước China Huarong, với tội danh tham nhũng. 

Hồ sơ tòa án cho biết ông Lai Xiaomin, đang giữ chức chủ tịch của Huarong khi bị điều tra vào năm 2018, đã nhận hối lộ 1,79 tỷ Nhân dân tệ (277 triệu USD) trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2018. Theo bản án, toàn bộ tài sản cá nhân của Lai sẽ bị tịch thu. 

Đầu năm 2019, trong một bộ phim tài liệu trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc, Lai thừa nhận thích dùng tiền mặt và kể chi tiết về việc ông đã chở số tiền mặt khổng lồ tới một căn hộ ở Bắc Kinh như thế nào. Cảnh sát đã phát hiện hơn 200 triệu Nhân dân tệ tại căn hộ này. Ngoài tiền mặt, Lai cũng sở hữu nhiều bất động sản, đồng hồ xa xỉ, xe hơi, vàng và một bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật.

"Hành vi của Lai gây nguy hiểm cho an ninh tài chính quốc gia cũng như sự ổn định tài chính", tòa án nhận xét ngày 5/1. "Dù bị can đã thành khẩn khai báo nhưng điều đó cũng không đủ để hưởng khoan hồng".

Lai được bổ nhiệm làm chủ tịch của Huarong vào năm 2012 và giữ vị trí này cho đến khi bị bắt vào năm 2018. Huarong là một trong 4 công ty được chính phủ Trung Quốc thành lập vào năm 1999 nhằm thanh lọc hệ thống tài chính ngập trong nợ xấu của nước này lúc bấy giờ. Năm 2015, công ty quốc doanh này niêm yết tại Hồng Kông huy động 2,5 tỷ USD, đưa vốn hóa lên hơn 15 tỷ USD. Hiện tại, vốn hóa của công ty này chỉ bằng 1/3 so với thời điểm IPO.

Dưới sự điều hành của Lai, Huarong đã mở rộng đầu tư chứng khoán, quỹ tín thác, hợp đồng tương lai..., dần xa rời khỏi tôn chỉ mục đích xử lý nợ xấu ban đầu. Một cựu giám đốc điều hành mảng hoạt động quốc tế của Huarong cho biết Lai chỉ quan tâm tới lợi nhuận ngắn hạn và đã chỉ đạo đầu tư mạnh vào các tài sản rủi ro cao như bất động sản, cổ phiếu. Theo hồ sơ tòa án, Lai cũng tạo ra văn hóa lạm dụng quyền lực tại Huarong khi chỉ tuyển dụng những người cùng quê Giang Tây với mình. Thậm chí, đầu bếp của Lai cũng đến từ Giang Tây. Trước khi về Huarong, Lai giữ chức vụ tại tại ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Bản án dành cho Lai cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh đối với hành vi tham nhũng trong bộ máy chính quyền cũng như đội ngũ điều hành doanh nghiệp nhà nước. Đến nay đã có hơn 1,5 triệu quan chức chính phủ Trung Quốc bị phạt vì tội này. 

Năm 2016, Trung Quốc nâng mức ngưỡng phạt tử hình đối với hành vi tham ô từ 100.000 Nhân dân tệ lên 3 triệu Nhân dân tệ, tuy nhiên, hình phạt này hiếm khi được áp dụng. Mo Shaoping, một luật sư tại Bắc Kinh, cho biết hiếm khi tội phạm tham nhũng lĩnh án tử và hầu hết nhận án tù chung thân. 

"Tuy nhiên, với trường hợp của Lai, số tiền tham nhũng quá lớn, có thể là lớn nhất trong vài năm trở lại đây", Mo nhận xét. "Vụ án này cũng gây bức xúc lớn trong dư luận. Với những yếu tố này, một bản án tử hình chắc chắn sẽ là lời cảnh báo mạnh mẽ, và quan trọng nhất là dẹp bỏ suy nghĩ rằng tham nhũng không thể bị phạt tử hình của nhiều người". 

Trước đó, nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc cũng bị kết tội tham nhũng, bao gồm Yang Jiacai, cựu trợ lý phó chủ tịch tại cơ quan quản lý ngân hàng và Yao Gang, phó chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc. Cả hai đều lĩnh án ít nhất 16 năm tù.