10:02 19/12/2007

Nhân lực du lịch: Cầu cao, cung èo uột

Ngô Vũ

Thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch trước yêu cầu của thị trường

Trong thời gian tới lượng khách du lịch quốc tế sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều.
Trong thời gian tới lượng khách du lịch quốc tế sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều.
Theo đánh giá mới đây của Tổng cục Du lịch, hiện nay số lao động trong lĩnh vực du lịch ước khoảng hơn 850 nghìn người. Trong đó lao động trực tiếp là 250 nghìn người; lao động gián tiếp là 600 nghìn người.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% số lao động trong số này đã qua đào tạo. Chính vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch đang trở thành vấn đề quyết định.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khi nói đến chất lượng du lịch thì nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong khi đó, hiện tại ngành du lịch nước ta thiếu cả về số lượng và chất lượng, có thể nói rằng chất lượng phục vụ của du lịch nước ta còn thấp.

Khoảng cách cung cầu quá lớn

Theo dự báo, đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón từ 5,5 triệu đến 6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 25 triệu lượt khách nội địa. Do vậy, ngành du lịch cần khoảng 1,4 triệu lao động.

Trong đó, lao động trực tiếp khoảng 350 nghìn người; tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm là 8,5%, con số tương ứng vào năm 2015 sẽ là hơn 503 nghìn người. Lao động nghiệp vụ (lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên bàn - bar - buồng...) chiếm số lượng lớn nhất, khoảng hơn 308 nghìn người vào năm 2010 và hơn 467 nghìn người vào năm 2015.

Do vậy, số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19 nghìn người mỗi năm. Trong khi đó, tổng số cơ sở đào tạo du lịch hiện nay có 70 cơ sở với số học sinh, sinh viên ra trường khoảng 13 nghìn người mỗi năm.

Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch cho biết, trong thời gian tới lượng khách du lịch quốc tế sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt khách du lịch tàu biển trên các chuyến tàu cao cấp, họ đi với số lượng đông, đa quốc tịch, đi tham quan theo nhiều chương trình riêng. Trong khi đó, ta còn rất thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn viên sử dụng các ngoại ngữ ít thông dụng như Italia, Nhật, Hàn Quốc...

Ngay cả đội ngũ hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ thông dụng thì kinh nghiệm và kỹ năng vẫn còn hạn chế, do nhiều hướng dẫn viên chưa được đào tạo qua trường lớp, trong khi đó người hướng dẫn viên đóng vai trò rất quan trọng vào thành công của việc thực hiện các chương trình du lịch cho khách.

Ông Akinson - Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Limitless - tập đoàn vừa mới đầu tư vào dự án Khu tổ hợp du lịch 5 sao quốc tế tại Hạ Long ngày 13/12 - cũng bày tỏ sự lo lắng về việc thiếu nhân lực cho dự án này. Mặc dù dự án triển khai xây dựng một trung tâm để đào tạo tại chỗ người dân địa phương có đủ kĩ năng và tiêu chuẩn làm việc, tuy nhiên riêng với địa bàn Quảng Ninh thì nguồn nhân lực du lịch có thẻ hướng dẫn viên, am hiểu nhiều ngoại ngữ đang “khát” không kém gì Hà Nội và Tp.HCM vì lượng khách quốc tế đổ về đây ngày càng nhiều.

Cần thêm 10 trường đào tạo chuyên ngành du lịch

Thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch trước yêu cầu của thị trường. Có một thực tế, hiện hầu hết các khách sạn cao cấp như Daewoo, Melia, Fortuna... đều vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đã qua đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ. Chính vì thế hầu hết các sinh viên chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm việc tại các khách sạn này đều phải qua lớp đào tạo lại ngắn hạn.

Nói về điểm yếu này của nhân lực trong ngành, TS. Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa Quản trị lữ hành hướng dẫn (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết: thực tế 3 năm học, phần lớn thời gian đào tạo dành cho chuyên môn, nghiệp vụ nên số tiết dành cho ngoại ngữ ít, chỉ đủ để giáo viên dạy kiến thức cơ bản nhất. Với một lớp khoảng 40-60 sinh viên như hiện nay thì muốn nâng cao trình độ và khả năng giao tiếp, không có cách nào khác sinh viên phải tự học thêm.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, bà Dương Mai Lan - phụ trách Phòng Nghiên cứu phát triển (Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội) nhận định: “Không chỉ doanh nghiệp tôi mà nhiều đơn vị khác trong ngành đều khó khăn trong việc tìm người đáp ứng được cả hai yêu cầu chuyên môn và ngoại ngữ. Khi tuyển dụng lao động, công ty chúng tôi rất quan tâm đến yếu tố con người, mong muốn tìm được nhân viên yêu nghề, nhanh nhẹn, tháo vát, biết chăm sóc và hiểu tâm lý khách hàng. Thực tế, những người đáp ứng được yêu cầu đó thì nhiều nhưng lại hạn chế về trình độ ngoại ngữ. Để tìm được người nói tiếng Anh chuẩn, làm tốt công việc thực sự rất khó bởi ngành du lịch chưa thực sự hấp dẫn để thu hút những người “vừa hồng vừa chuyên”.

Còn theo Giám đốc nhân sự Khách sạn Melia Hà Nội, ông Phạm Hữu Thanh, phần lớn nhân lực lấy từ đầu ra của các trường du lịch chỉ mới đáp ứng được nhu cầu khách nội địa, rất khó tìm được người giỏi, đáp ứng được yêu cầu giao tiếp với khách nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi đang vướng vào bài toán khó: nếu lấy những người giỏi ngoại ngữ (thường là sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ) thì phải đào tạo thêm về nghiệp vụ; ngược lại, nếu lấy những người từ các cơ sở đào tạo trong ngành thì ngoại ngữ kém. Dù thế nào, doanh nghiệp cũng mất thời gian và kinh phí đào tạo nhân viên theo yêu cầu công việc. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch cần sớm có giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng mới có thể theo kịp sự phát triển của du lịch trong khu vực.

Trong chiến lược đào tạo nhân lực du lịch đến năm 2015, ngành du lịch cần tập trung đào tạo những gì thực tế cần, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo là sự chấp nhận của người sử dụng lao động và tỉ lệ tìm được việc làm; giáo dục và đào tạo du lịch phải gắn liền với nhu cầu thị trường. Tính chất lao động trong ngành du lịch ở nhiều trình độ khác nhau, từ giản đơn (lao động nghiệp vụ) đến phức tạp (giám sát, quản lý). Vì vậy, hệ thống đào tạo du lịch cần thiết phải đảm bảo thực hiện đào tạo liên thông từ thấp đến cao. Cơ chế đào tạo có sự kết hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Được biết, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung nhiều vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển mạng lưới các trường đào tạo nhân lực du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2015 là sẽ có thêm 10 trường đào tạo chuyên ngành du lịch, và những trường này sẽ tập trung ở vùng trọng điểm về du lịch của Việt Nam.