19:28 29/09/2022

Nhân viên đổi ngoại tệ "chợ đen" chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng

Đỗ Như

Cơ quan điều tra kết luận, tổng số tiền Hoa đã chiếm đoạt bằng chiêu bài góp vốn là hơn 13,5 tỷ đồng và 2.000 USD (tương đương hơn 44,8 triệu đồng) bà T. nhờ đổi tiền...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết thúc phiên toà ngày 29/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Phương Hoa (SN 1961, ở quận Long Biên) mức án 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo điểm a, khoản 4, điều 174, Bộ luật Hình sự.

Bị cáo được tại ngoại, có đơn xin xét xử vắng mặt tại tòa với lý do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và được tòa chấp nhận.

Hồ sơ thể hiện, Hoa không nghề nghiệp, có quen hệ với bà Nguyễn Thị Hồng T., SN 1961, ở Hà Nội. Đầu năm 2017, Hoa “nổ” với bà T., mình là nhân viên đổi ngoại tệ của một công ty trên phố Hàng Bạc.

Khoảng tháng 2/2017, Hoa nhận mua giúp người phụ nữ này 5 triệu Yên Nhật và bà T. đưa 970 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Hoa nhờ chị gái đến gặp bà T., nói dối tên là Thuỷ, Kế toán trưởng công ty này, để trì hoãn ngày giao Yên Nhật.

Sau đó, Hoa trả đủ 5 triệu Yên Nhật nên bà T. tin tưởng. Thời gian này, Hoa thường chơi game bài trên trang mạng “Tip.club- Đại gia game bài”. Để có tiền nướng vào cờ bạc, Hoa nảy ý định lừa tiền của bà T.

Bị cáo nói, công ty đang huy động vốn để kinh doanh, ưu tiên cho nhân viên. Hoa rủ bà T. cùng góp vốn và cam kết, nếu bà T. đưa 1 tỷ đồng sẽ được trả lãi 45 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được hưởng ưu đãi mua 10 triệu Yên Nhật với tỷ giá thấp tại công ty.

Bà T. không do dự mà rủ thêm em gái cùng tham gia góp vốn. Với các giao dịch này, bà T. là người trực tiếp đứng ra trao đổi với Hoa.

Hoa đã tự soạn thảo Hợp đồng góp vốn, hứa trả lãi cho bà T. 90 triệu đồng/tháng. Khi bà T. nói, không đủ số tiền trên, Hoa bảo đưa 900 triệu đồng, Hoa bù thêm 200 triệu đồng.

Lần này, để bị hại sập bẫy, Hoa nhờ chị gái đóng giả kế toán ký nháy vào góc bên dưới của bản hợp đồng góp vốn rồi đưa cho bà T.

Từ tháng 3 đến 8/2017, để có tiền mua tiền ảo chơi game bài, Hoa nói dối với bà T. công ty đang có các gói huy động vốm lãi suất cao, từ 3-5 ngày trả lãi. Với mức lãi suất cao nên bà T. đã nhiều lần chuyển tiền cho Hoa với tổng số gần 15 tỷ đồng.

Có trong tay số tiền lớn, Hoa cắt lại lại một phần trả gốc, lãi cho bà T.; còn lại chiếm đoạt hơn 13,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Hoa nhiều lần vay tiền của bị hại này với tổng số hơn 20 tỷ đồng; đã trả lại cho bà T. hơn 12,6 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra kết luận, tổng số tiền Hoa đã chiếm đoạt bằng chiêu bài góp vốn là hơn 13,5 tỷ đồng và 2.000 USD (tương đương hơn 44,8 triệu đồng) bà T. nhờ đổi tiền.

Tại cơ quan điều tra, Hoa khai nhận toàn bộ số tiền chiếm đoạt được dùng mua tiền ảo tham gia đánh bạc trên mạng internet và tiêu xài cá nhân hết.

Khi bị hại đòi tiền, Hoa viết giấy hẹn trả vào ngày 21/8/2017. Sau đó, bị cáo tắt máy điện thoại và bỏ trốn vào TP.HCM. Ngày 25/9/2017, Hoa đến Công an TP Hà Nội khai nhận hành vi chiếm đoạt tiền của mình.

Tại tòa, bị hại đề nghị tuyên phạt Hoa mức án nghiêm khắc và mong muốn được nhận lại số tiền bị chiếm đoạt.

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.