10:37 07/07/2010

Nhập khẩu vẫn tăng cao hơn xuất khẩu

Y Nhung

Sáu tháng đầu năm xuất khẩu chỉ tăng 15,7% nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng tới 29,4% so với cùng kỳ 2009

Ngành dệt may trong sáu tháng đầu năm đã thu về kim ngạch là 4,87 tỷ USD.
Ngành dệt may trong sáu tháng đầu năm đã thu về kim ngạch là 4,87 tỷ USD.
Sáu tháng đầu năm xuất khẩu chỉ tăng 15,7% nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng tới 29,4% so với cùng kỳ 2009, và đạt mức 38,8 tỷ USD.

Số liệu tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại sáu tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/7 cho thấy, hai quý đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã đạt kim ngạch 32,12 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2009 và đạt 53% chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu do Chính phủ giao.

Hàng công nghiệp dẫn đầu về tỷ trọng xuất khẩu

Về hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đã chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (66,8%), với 21,47 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm gỗ; hàng dệt may; sản phẩm chất dẻo đã có mức tăng lần lượt là 31,4%; 32,5%; 17,2% và 25,2%. Hóa chất, điện và dây cáp điện, sản phẩm từ cao su cũng có mức tăng rất ấn tượng.

Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ không chỉ phản ánh sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, mà còn thể hiện sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng tích cực.

Đứng thứ hai là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 20,5%, đạt 6,6 tỷ. Cùng kỳ năm ngoái, nhóm này chiếm tỷ trọng là 22%.

Nguyên nhân chủ yếu theo đại diện Bộ Công Thương là do thời gian qua lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng như sắn và các sản phẩm từ sắn đã giảm tới 51,4%; cà phê giảm 11,8%, cao su giảm là 6,2%... Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản sáu tháng đầu năm tỷ trọng cũng chỉ còn chiếm 12,4%, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 4 kim ngạch tỷ USD.

Mặc dù lượng xuất khẩu của nhiều hàng hóa thời gian qua tuy có giảm, nhưng do giá xuất khẩu đã tăng đáng kể nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đã làm cho kim ngạch thu về trong sáu tháng đầu năm vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Giá tăng đã làm kim ngạch mà nhóm hàng nông lâm, thủy sản mang về cho đất nước tăng thêm 473 triệu USD. Đối với nhóm hàng khoáng sản mức tăng của giá xuất khẩu đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu lên 1,15 tỷ USD. Tính chung hai nhóm hàng, giá tăng đã đóng góp vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu thêm khoảng 1,63 tỷ USD.

Về thị trường, thời gian qua hầu hết các thị trường xuất khẩu của nước ta đều có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thị trường châu Á tăng tới 33,8%, châu Đại Dương tăng gần 34%, châu Mỹ tăng 21,2%. Riêng chỉ có thị trường châu Âu giảm gần 10% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu vẫn tăng nhanh hơn xuất khẩu

Trong khi xuất khẩu chỉ tăng 15,7%, thì kim ngạch nhập khẩu lại tăng tới 29,4% so với cùng kỳ 2009, và đạt mức 38,8 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu hai quý đầu năm vẫn ở mức khoảng 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc nhập siêu là hàng hóa trong nhóm cần nhập khẩu thời gian qua đã tăng 27,4% so với cùng kỳ và nhóm này đang chiếm tỷ trọng 82% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc là phục vụ cho xuất khẩu trong thời gian tới nên không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Bên cạnh đó còn do giá nhập khẩu nhiều mặt hàng là nguyên liệu sản xuất đã tăng mạnh. Trong khi đó giá xuất khẩu sản phẩm lại tăng chậm hơn, khiến hiệu quả xuất khẩu bị giảm.

Do vậy từ nay đến cuối năm, nếu tình hình không có những biến động lớn thì mức tăng trưởng xuất khẩu 6% như kế hoạch đề ra là hoàn toàn có thể đạt được. Đối với sản xuất công nghiệp sáu tháng đã tăng trưởng 13,6% nên cả năm có khả năng vượt kế hoạch 12% và tỷ lệ nhập siêu sẽ được giữ ở mức 20% trên kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vẫn chưa thực sự lạc quan, do trước mắt các doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn như tình hình cung ứng điện còn chưa thực sự ổn định. Điều này cũng đã được ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận, do đến nay tình hình thủy văn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng hạn hán vẫn có thể tiếp tục.

Khó khăn nữa khiến Bộ trưởng Hoàng lo ngại là giá đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng nhanh hơn so với mức tăng của giá bán sản phẩm. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong cân đối tài chính nói chung và ngoại tệ nói riêng. Đồng thời còn làm tăng khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu.

Tiếp đến, một số mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của nước ta có thể sẽ phải đối mặt với những biến động khó lường do các chính sách bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu lớn hiện nay là EU, Mỹ....