09:15 20/05/2007

Nhật Bản viện trợ “Xanh” cho Việt Nam

Phan Anh

Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng

Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung của Chương trình Viện trợ Xanh.
Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung của Chương trình Viện trợ Xanh.
Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.

Đó là khẳng định của phía Nhật Bản trong cuộc họp đối thoại chính sách về Chương trình Viện trợ Xanh (GAP) lần thứ 9 giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) với Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Được bắt đầu từ năm 1999, Chương trình Viện trợ Xanh GAP của Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và tiết kiệm năng lượng. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ của Chương trình GAP đã mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường rõ rệt trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Các dự án gắn mục tiêu quốc gia

Các dự án quản lý, xử lý chất thải, nước thải công nghiệp đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trong các doanh nghiệp và khu công nghiệp Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, GAP đã trang bị 3 phòng thí nghiệm hiện đại để phân tích nước và không khí, đồng thời trang bị các phương tiện thiết bị đa mục tiêu để nghiên cứu 20 loại nước thải của các ngành nghề sản xuất ở Việt Nam. Cũng trong năm 2006, chương trình đã thực hiện mục tiêu 100 trạm nghiên cứu về nước thải và tổ chức đào tạo 23 khoá học cho 500 học viên Việt Nam là các cán bộ kỹ thuật sở Tài nguyên - Môi trường, các xí nghiệp, doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, 3 vấn đề lớn về phát triển điện nguyên tử, công nghệ sản xuất than sạch và bảo tồn năng lượng của Việt Nam đã được GAP quan tâm hỗ trợ triển khai trong năm 2006 và những năm qua. Các công nghệ tuyển than và nghiên cứu than đồng bằng sông Hồng đã được tiếp thu chuyển giao từ phía Nhật Bản. Trong Chương trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng giai đoạn 2006-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 5-8% tổng lượng tiêu thụ trên cả nước. Đến nay, đã có 11 chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực này được triển khai đồng bộ trong đó chủ yếu tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ sở pháp lý.

Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, từ chương trình hỗ trợ bảo tồn năng lượng, dự án hoàn thiện khung pháp lý về bảo tồn năng lượng sẽ được trình Quốc hội ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng vào đầu năm 2009... Phong trào tiết kiệm năng lượng đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh. Một số dự án mô hình thử nghiệm năng lượng trong các gia đình đã được triển khai ở vùng ngoại vi nông thôn.

Giám sát môi trường, tiết kiệm năng lượng

Hiện nay, Nhật Bản đang triển khai thực hiện chuyển giao các công nghệ lấy mẫu, phân tích nước thải công nghiệp cho Việt Nam. Cùng với việc chuyển giao, hướng dẫn sử dụng các công nghệ lấy mẫu và phân tích, Việt Nam sẽ xác định được mức độ và nồng độ chất thải trong nước của từng loại nhóm ngành nghề sản xuất cụ thể. Đây chính là cơ sở xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến nước thải làm công cụ giúp nhà quản lý môi trường trong công tác quan trắc, dự báo.

Nhật Bản đã có kinh nghiệm trong thu gom và xử lý các dự liệu liên quan đến nước thải. Do đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nước thải cho một nhóm ngành nghề để có thể ước lượng mức độ ô nhiễm của các nhóm ngành nghề sản xuất khác.

Theo ông Hidehiko Yamachika- Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật (METI), xu hướng Nhật Bản sẽ cố gắng hỗ trợ Việt Nam chính là xây dựng, hình thành một hệ thống cơ chế các nhà quản lý, phòng chống ô nhiễm tại các doanh nghiệp. Theo đó, trong mỗi doanh nghiệp sẽ có cán bộ chuyên trách quản lý ô nhiễm môi trường để tự doanh nghiệp quản lý, kiểm soát mức độ phát thải gây ô nhiễm. Hệ thống này ở Nhật Bản đã có và cấp giấy phép hành nghề. Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam hình thành hệ thống này nhưng không phải bê nguyên mô hình nghiên cứu xây dựng một mô hình các nhà quản lý ô nhiễm công nghiệp mang đặc thù sản xuất và phù hợp với điều kiện tình hình của Việt Nam.

Cùng với hỗ trợ về môi trường, trong chương trình đối thoại chính sách hỗ trợ, Chương trình GAP sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam sử dụng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng. Theo thống kê năm 2005, mỗi năm chỉ số tiêu thụ năng lượng Việt Nam là 250 kg OE/người và mức tiêu thụ điện là 540 kwh/người. Than, dầu, khí, thuỷ điện... vẫn được coi là những ngành năng lượng chính nhưng theo dự báo thì nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh nhất là trong các ngành công nghiệp, vận tải và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2010, nhu cầu trong các ngành này tăng từ hơn 2 lần đến gần 20 lần so với năm 2000 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Chính vì vậy, việc đưa ra chiến lược, chính sách mà đặc biệt là các biện pháp sử dụng, tiêu thụ tiết kiệm và có hiệu quả, bảo tồn nguồn năng lượng trong sinh hoạt và sản xuất được coi là vấn đề ưu tiên quan tâm hàng đầu ở mỗi quốc gia. Vấn đề này cũng đã được GAP đưa ra thảo luận và hợp tác hỗ trợ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ông Hidehiko Yamachika cho biết, trong năm 2007 và những năm tiếp theo, các dự án bảo tồn năng lượng ở Việt Nam sẽ được GAP quan tâm hỗ trợ mà đặc biệt là hướng tới hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Hidehiko Yamachika, vấn đề nhận thức của các doanh nghiệp mà đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sử dụng tiết kiệm, bảo tồn năng lượng cần phải được cải thiện và nâng cao hơn nữa trong tương lai. Hiện nay, tất cả các hoạt động hỗ trợ tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản ở Việt Nam mới chỉ tập trung triển khai ở những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có quy mô lớn, trong các khu công nghiệp. Nhưng nếu chỉ tập trung triển khai ở các doanh nghiệp có quy mô lớn thì khó có thể đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng tổng thể ở tầm quốc gia. Chính vì vậy trong thời gian tới, Chương trình GAP sẽ tập trung hướng tới đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như đến tận các hộ gia đình.