21:38 10/06/2013

Nhật ký nghị trường: “Bỏ phiếu kép”

Nguyên Thảo

Chủ tịch Quốc hội hơn một lần lưu ý các vị đại biểu không câu nệ thời gian, suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ phiếu

Các đại biểu Quốc hội lên xe trở về đoàn thảo luận lấy phiếu tín nhiệm trong trời mưa tầm tã, sáng 10/6 - Ảnh: NH.
Các đại biểu Quốc hội lên xe trở về đoàn thảo luận lấy phiếu tín nhiệm trong trời mưa tầm tã, sáng 10/6 - Ảnh: NH.
8h30 sáng 10/6, trời mưa tầm tã khi các vị đại biểu Quốc hội lên xe trở về thảo luận tại đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Tiết trời mát mẻ sau cả tuần chang chang nắng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc đến như một sự ủng hộ để Quốc hội thực hiện công việc rất hệ trọng không chỉ lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam mà cả nghị trường quốc tế cũng chưa có nước nào làm, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể chỉ diễn ra trong nửa tiếng trước đó.

Bày tỏ tin tưởng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách trách trước nhân dân, Chủ tịch nhắc lại lời một vị đại biểu rằng, đây là cuộc “bỏ phiếu kép”. Quốc hội bỏ phiếu để đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt nhất của bộ máy nhà nước, còn cử tri bỏ phiếu cho các vị đại diện của mình về độ chính xác của lá phiếu.

Sau khi danh sách lấy phiếu đã được thông qua với đa số phiếu thuận, các vị đại biểu chuẩn bị về đoàn thảo luận, Chủ tịch có thêm một lưu ý.

Ông nói, ngoài những báo cáo công tác của những người thuộc diện lấy phiếu được cung cấp cho các đại biểu thì cũng có một số thông tin đến với Quốc hội mà chưa được kiểm chứng, có những thông tin  sai với nội quy của kỳ họp, đề nghị các vị đại biểu không sử dụng thông tin thiếu chính xác đó.

“Đến nay thì không có vấn đề gì, nhưng đề phòng như vậy nên phải báo cáo với Quốc hội ý đó, có thể có thông tin này khác không phải do chính Quốc hội chúng ta phát hành thì chúng ta phải rất là thận trọng khi xem xét vấn đề đó”, Chủ tịch nhấn mạnh.
 
Như thường lệ, phiên thảo luận tại đoàn, báo chí không được tham dự. Một thông cáo phát đi từ trung tâm báo chí của kỳ họp đề nghị báo chí không nghe phần trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận này trong phiên họp buổi chiều.

Điều này khiến cánh phóng viên nhớ lại cảnh đội mưa đến ngồi chờ ở cửa kiểm soát an ninh khi Quốc hội nghe kết quả thảo luận ở đoàn trước khi bầu tân Tổng kiểm toán Nhà nước vào đầu kỳ họp này.

Nhưng, cảnh ấy đã không lặp lại ở chiều nay. Gần 16h, trong khi các phóng viên ảnh tranh thủ chớp hình ảnh Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội chuyện trò vui vẻ bên hành lang với các đại biểu thì các tay viết cũng tranh thủ khai thác các góc nhìn cũng như mức độ cảm nhận về cuộc bỏ phiếu lịch sử này.

Vẫn nhắc lại ý nghĩa về cuộc bỏ phiếu kép, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói với nhà sử học Dương Trung Quốc và Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng rằng, cử tri cũng đánh giá tín nhiệm Quốc hội qua công việc này, nên phải hết sức cẩn trọng.

Góc khác, một vị đại biểu chuyên trách chia sẻ, ông đánh giá và đi đến quyết định bỏ phiếu không chỉ căn cứ vào việc các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực làm sai hay đúng mà quan trọng hơn là có dám làm hay không, vì có làm thì có thể có sai, không làm thì không sai.

“Tôi từng có thời gian học tập nước ngoài và thấy rằng ở bên đó hai người có thể làm bạn rất thân, nhưng một người là công chức nhà nước mà không hoàn thành nhiệm vụ thì người bạn sẵn sàng nói “anh nên nghỉ”, ông nói.

Phiên họp toàn thể buổi chiều bắt đầu chậm hơn giờ được dự kiến (16h) 20 phút. Mặc dù vậy, Chủ tịch Quốc hội hơn một lần  lưu ý các vị đại biểu không câu nệ thời gian, suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ phiếu, nếu cần đổi phiếu thì yêu cầu ban kiểm phiếu để được đổi.

Giải trình về những ý kiến của đại biểu thảo luận tại đoàn, trước băn khoăn của đại biểu về liều lượng thông tin, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi ý, bên cạnh báo cáo công tác đại biểu có thể căn cứ vào những thông tin được nêu trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, báo cáo của Chủ tịch nước, báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri…

Lưu ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được Chủ tịch nhấn mạnh, đó là hai năm qua tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại diễn biến khó khăn phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đánh giá công tâm, khách quan của chính mỗi đại biểu, ông nhấn lại quan điểm đã nhắc đến trong phiên họp buổi sáng.

Chủ tịch còn cho biết, theo quy định, đại biểu có quyền yêu cầu người lấy phiếu giải trình thêm các nội dung đại biểu quan tâm. Nhưng đến thời điểm này, chỉ có một đại biểu nêu yêu cầu đối với một người trong số 47 chức danh được đưa ra lấy phiếu lần này. Người được yêu cầu cũng đã thực hiện giải trình theo đúng  quy định.

47 chức danh, mỗi người lại có ba mức độ để lựa chọn, thông tin như ý kiến nhiều đại biểu thì chưa hẳn đã đủ đầy, vậy nên lưu ý không quá câu nệ thời gian của Chủ tịch hẳn là cũng có lý.

Nhưng, dường như chỉ sau chừng ba phút, lá phiếu đầu tiên đã được bỏ vào thùng phiếu, dăm phút đã cơ bản hòm hòm. Nhiều phóng viên không giấu được sự ngưỡng mộ tính quyết đoán của các vị đại biểu.

Được hỏi có đánh dấu vào ô tín nhiệm thấp trong lá phiếu nào không, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) trả lời ngay: “Có chứ, sao lại không, cũng có một số. Vì đây là 47 người khác nhau, mỗi người một cương vị, nhiệm vụ khác nhau, kết quả hoạt động của họ cũng khác nhau, không thể đồng nhất được”.

15 tiếng từ khi hòm phiếu được đóng lại đến khi công khai kết quả vào đầu phiên họp sáng hôm sau có lẽ cũng là thời gian khá dài để cử tri cả nước chuẩn bị “bỏ phiếu” cho chính các vị đại diện của mình. Một cuộc bỏ phiếu kép.