23:51 07/06/2013

Nhật ký nghị trường: Chọn ai chất vấn?

Nguyên Thảo

Còn nhiều băn khoăn về tiêu chí chọn người trả lời chất vấn tại Quốc hội

Đại biểu ghi lại hình ảnh mẫu bùn đỏ của dự án bauxite tại Tây Nguyên, được trưng bày tại hành lang Quốc hội - Ảnh: NH.<br>
Đại biểu ghi lại hình ảnh mẫu bùn đỏ của dự án bauxite tại Tây Nguyên, được trưng bày tại hành lang Quốc hội - Ảnh: NH.<br>
Hôm 7/6, Quốc hội thêm một ngày hoạt động có phát thanh, truyền hình trực tiếp, những tà áo dài của các nữ đại biểu có vẻ như đã làm dịu đi phần nào cái nóng của cả tiết trời lẫn “thời tiết” nghị trường.

Mỗi kỳ họp Quốc hội, chỉ có một nội dung được giám sát tối cao, thường là trong thời gian một ngày. Vấn đề của kỳ này là việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.

Đại biểu từ nhiều vùng miền lên tiếng. Sau những nhận xét đi kèm với các từ sai phạm, lãng phí, kém hiệu quả là hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm còn bỏ ngỏ trong sự sốt ruột cao độ, không phải chỉ của thì hiện tại.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) khá băn khoăn khi nhìn vào danh sách dự kiến các vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này.

Theo ông, chất vấn nên gắn với nội dung được giám sát tối cao, bởi được chọn giám sát là vấn đề quan trọng, qua bàn thảo lại thêm sáng rõ nhiều điều. "Ta cứ nói lãng phí nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp, ít nhất phải có địa chỉ trách nhiệm chứ?", ông Hùng tâm tư.

Nhiều phóng viên nghị trường hôm nay cũng dành sự quan tâm nhiều hơn cho các phiên chất vấn, sau khi có danh sách dự kiến các vị sẽ đăng đàn trực tiếp. Gồm, bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với VnEconomy rằng, một trong các tiêu chí để chọn người trả lời chất vấn là các vị chưa được bố trí trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, vì mỗi kỳ họp trong 2,5 ngày chỉ có đủ thời gian cho 4 - 5 vị, trong khi lĩnh vực nào cũng có nhiều vấn đề được quan tâm.

Theo đó thì có đến 4 trong số 5 vị (ngoại trừ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phù hợp với tiêu chí nói trên.

Nhưng, một số vị đại biểu cũng cho rằng, xếp hàng lần lượt không có ý nghĩa gì nhiều với hoạt động chất vấn. Sự cân đối hài hòa những vấn đề ở các lĩnh vực cũng không phải là quyết định. Mà quan trọng là sức “nóng” của thực tế cuộc sống, của những vấn đề cử tri quan tâm, trông đợi các vị đại diện cho dân có câu trả lời thỏa đáng qua hoạt động tại nghị trường.

Những vấn đề mà cử tri quan tâm, không phải chỉ ở kỳ họp này, theo một nữ đại biểu thì bên cạnh sản xuất nông nghiệp đang quá khó khăn vẫn là điện, xăng dầu và cả các dự án bauxite ở Tây Nguyên.

Bởi thế, cho dù phiếu xin ý kiến chỉ đưa danh sách dự kiến 5 người, nhưng bản thân bà và theo quan sát của bà, thì có cả các vị khác vẫn đề nghị thêm một số thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.

"Tôi thấy hơi lạ là mẫu phiếu xin ý kiến không có mục để đề xuất thêm các vị ngoài danh sách dự kiến, nhưng tôi vẫn viết ý kiến của mình vào cuối, song chắc cũng chỉ là quan điểm của thiểu số thôi", một vị đại biểu phía Nam nói.

Nếu nhìn lại các kỳ họp trước thì thiểu số hay đa số đôi khi cũng lại không hẳn mang ý nghĩa quyết định với việc chọn người chất vấn.

Tròn một năm trước, ở kỳ họp thứ ba của Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp cũng gửi phiếu đề xuất danh sách 7 vị bộ trưởng, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến lựa chọn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Và mặc dù nhận được nhiều ý kiến đề nghị nhưng trong danh sách được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp đã không có cả hai vị nói trên.

Việc này ngay sau đó đã được một vị đại biểu “phản biện” nhân một phiên thảo luận về vấn đề khác ngay trước thềm phiên chất vấn đầu tiên. Ông nói “đã đưa ra thăm dò thì phải tôn trọng ý kiến đại biểu, bộ trưởng nào được nhiều đại biểu chọn nhất thì sẽ trả lời chất vấn”.

Đến kỳ họp sau (kỳ họp thứ tư cuối năm 2012) một vị bộ trưởng không có tên trong danh sách dự kiến nhưng lại nằm ở danh sách chính thức, do có nhiều đại biểu đề xuất.

Vậy nên, việc chọn ai trả lời cho các phiên chất vấn cũng chỉ mang tính tương đối và rất khó xác định đâu là căn cứ quan trọng nhất. Chữ “hài hòa” ở đây có lẽ cũng được hiểu theo nghĩa khá linh hoạt.

Và phương án được một số vị đại biểu tính đến là, những vấn đề không chất vấn trực tiếp được các vị bộ trưởng nằm ngoài danh sách được chọn thì sẽ dành cho Phó thủ tướng hoặc Thủ tướng.

Theo thông lệ, Thủ tướng chỉ trả lời chất vấn trực tiếp vào kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Kỳ này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn.

Sáng 7/6, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói kết quả xin ý kiến đại biểu đang được tổng hợp, nếu có được ngay trong buổi sáng thì tốt.

Nếu vẫn theo quy trình như các kỳ họp gần đây thì khi có kết quả xin ý kiến đại biểu, sau khi trao đổi ý kiến với Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định người trả lời chất vấn chính thức. Văn bản "chốt" danh sách được gửi đến từng vị đại biểu cũng sẽ có các giải thích cho sự lựa chọn cuối cùng này.

Nhiều đại biểu cũng chờ danh sách các vị trả lời cùng các nhóm vấn đề sẽ tập trung chất vấn được quyết định để chuẩn bị chu đáo hơn cho hoạt động này.

Nhưng đến tận cuối ngày 7/6, câu trả lời là vẫn phải tiếp tục chờ.