11:32 30/03/2015

Nhiệm kỳ mới của VCCI và tâm tư doanh nhân Việt

Nguyễn Lê

VCCI kêu gọi một chương trình hành động để “tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân”

Đoàn đại biểu Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước phát biểu chào mừng đại hội lần thứ 6 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đoàn đại biểu Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước phát biểu chào mừng đại hội lần thứ 6 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, đầy đủ đến khối doanh nghiệp trong nước, thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu, kinh tế Việt Nam vẫn khó thoát khỏi sự lệ thuộc, không thể phát triển bền vững và hội nhập thành công".

Đây là những dòng được in đậm trong bản tham luận của doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái tại đại hội lần thứ 6 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 28/3 vừa qua.

Có cách tiếp cận các vấn đề khác nhau, song xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt vững mạnh với tư duy đổi mới là mong muốn chung của nhiều doanh nhân tại diễn đàn này.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê rằng hai tháng đầu năm 2015, cả nước có trên 16.000 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, ông Đoàn cho rằng số lượng doanh nghiệp ở tình cảnh này liên tục tăng trong những năm gần đây, và chưa có dấu hiệu chậm lại những tháng đầu năm nay, nên khó có thể nhìn nhận là bình thường.

"Phải nhìn nhận, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước hàng đầu của khu vực chậm được rút ngắn, tụt hậu đã thành hiện thực chứ không phải nguy cơ nữa. Câu hỏi đặt ra là: các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hội nhập như thế nào?", Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái băn khoăn.

Khi mà sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng cũ là nhờ lao động giá rẻ và bán tài nguyên thô, theo ông Đoàn, các doanh nghiệp buộc phải tư duy sáng tạo và hành động đột phá.

Gắn với thông điệp từ đại hội, vị doanh nhân này cho rằng, kỳ vọng vào khối doanh nghiệp dân doanh ngày càng nhiều và để hướng tới mục tiêu Việt Nam có một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong vòng 10 năm tới, là một định hướng đúng nhưng đầy chông gai.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đánh giá cao việc VCCI kêu gọi một chương trình hành động để “tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân”, ông Đoàn viết tiếp.

Cùng “trông người, ngẫm ta”, ông Huỳnh Văn Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương Các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nêu con số năm 2014, doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm tới 68% trong tổng số 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, đây là thành quả, nhưng nếu nhìn ở góc độ sức khỏe của nền kinh tế, thì đây là một điều cả nhà quản lý vĩ mô lẫn doanh nghiệp cần phải suy nghĩ, ông Minh phân tích.

Ông Minh đề nghị, Đảng và Nhà nước có thể cho lấy năm 2015 là "năm của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp".

Cũng góp tiếng nói tại đại hội VCCI là Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung.

Nữ doanh nhân này cho rằng, nếu cách đây vài năm, từ khóa quan trọng nhất trên mọi diễn đàn là “hội nhập” thì từ năm 2014, và đặc biệt trong năm 2015, cụm từ xuất hiện nhiều nhất, được quan tâm nhất trong cộng đồng doanh nghiệp là “đổi mới sáng tạo”.

Và muốn cải tiến, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ một cách bền vững, theo bà Dung, doanh nghiệp cần phải giải quyết từ gốc, vấn đề nền tảng và căn bản nhất - đó chính là tư duy, là nhận thức về yêu cầu của việc không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm.

“Tôi biết có rất nhiều phương cách khác nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, và tôi tin rằng doanh nhân nào cũng có thể thực hiện được việc này, bởi chỉ cần chúng ta cứ nghĩ mãi về một việc, thì chắc chắn sẽ tìm ra được giải pháp”, bà Dung thể hiện quan điểm.

Tại đại hội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng kỳ vọng nhiệm kỳ mới sẽ có những bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam và của cộng đồng doanh nghiệp - nhiệm kỳ bứt phá vượt lên không cam chịu cảnh tụt hậu, lệ thuộc và thua thiệt trong cuộc đua tranh kinh tế toàn cầu.

Tinh thần xuyên suốt các văn kiện, điều lệ, tổ chức bộ mày và chương trình hành động của VCCI trong nhiệm kỳ tới là “liên kết doanh nhân Việt”, “đoàn kết - đổi mới - sáng tạo”, ông Lộc nhấn mạnh.

"Doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong làn sóng đổi mới lần thứ nhất ở đất nước ta - làn sóng đổi mới để vượt lên chính mình. Trong làn sóng đổi mới lần thứ hai - làn sóng đổi mới để bắt kịp thời đại đang được bắt đầu, những chiến sỹ thời bình - doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục phải là lực lượng chủ công", Chủ tịch VCCI khẳng định trước hàng trăm đại biểu doanh nhân.