Nhiều chuyên gia không kỳ vọng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận vào cuối tháng 6
Theo dự kiến, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6
Với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng nóng, các chuyên gia từ hai ngân hàng JPMorgan Chase và Morgan Stanley cho rằng khó có khả năng hai nước sẽ đi đến một thỏa thuận thương mại khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Đến thời điểm này, cuộc gặp tiềm năng trên vẫn được xem là cơ hội để Washington và Bắc Kinh ký kết một thỏa thuận chấm dứt xung đột thương mại đã kéo dài hơn 1 năm nay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen trong một cuộc họp báo hôm Chủ nhật thậm chí còn không xác nhận liệu có diễn ra một cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập ở Nhật Bản vào cuối tháng này hay không. Thay vào đó, ông Wang chỉ nói rằng Trung Quốc sẽ cử đại diện tới các sự kiện sắp diễn ra ở Nhật Bản.
Trao đổi với hãng tin CNBC ngày thứ Hai, các chuyên gia của JPMorgan Chase và Morgan Stanley đều cho rằng những tuyên bố "đao to búa lớn" của Mỹ và Trung Quốc trong những tuần gần đây đã khiến tình hình xấu đi đến mức hai bên khó đi đến một thỏa thuận thương mại, ít nhất trong ngắn hạn.
"Quan điểm của cá nhân tôi là sẽ không có thỏa thuận. Nếu nhìn vào lập trường của hai bên, sẽ thấy mức độ linh hoạt đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt, những tuyên bố từ phía Trung Quốc thực chất đã vạch rõ những điều kiện phải được đáp ứng trước khi đàm phán nối lại", ông James Sullivan, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á của JPMorgan Chase, nhận xét.
"Về phía Mỹ, quan điểm cũng rất ‘diều hâu’, không chỉ ở Tổng thống Trump, mà còn ở các quan chức khác trong toàn bộ chính quyền Mỹ… Tôi cho rằng điều này sẽ khiến việc đạt một thỏa thuận trong ngắn hạn là rất khó", ông Sullivan nói thêm.
Ông Jonathan Garner, chiến lược gia thị trường mới nổi của Morgan Stanley, đồng tình với quan điểm trên. "Ở thời điểm này, khả năng không có thỏa thuận là cao hơn khả năng có thỏa thuận", ông Garner nói.
Tháng 5 vừa qua, ông Trump nâng thuế quan bổ sung từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời dọa sẽ áp thuế 25% lên thêm khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Tiếp đó, Mỹ đưa hãng công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách bị cấm mua linh kiện và thiết bị Mỹ.
Đáp trả Mỹ, Chính phủ Trung Quốc áp thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa của đối phương, đồng thời cảnh báo sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui gọi chiến tranh thương mại của Mỹ là "chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi".
Ông Garner cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cảm nhận rõ ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang. Ông cho rằng hai nước có thể sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ để ứng phó với những ảnh hưởng này.
"Tôi cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ nếu căng thẳng thương mại hiện nay tiếp tục hoặc leo thang cao hơn", ông Garner phát biểu.
Theo vị chuyên gia, trong kịch bản xấu nhất, chiến tranh thương mại có thể kéo lùi tăng trưởng của nhiều quốc gia khác chứ khoong riêng gì Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, vào hôm Chủ nhật, ông Garner đã dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái sau chưa đầy 1 năm nêu ông Trump thực hiện lời cảnh báo áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
"Tình hình đang ngày càng nghiêm trọng… Nền kinh tế toàn cầu đang mất đà khá nhanh", ông Garner nói.