15:39 06/03/2024

Nhiều công ty chứng khoán “kẹt” lệnh, đà phục hồi phiên chiều có đáng tin cậy?

Kim Phong

Diễn biến giao dịch phiên chiều nay rất chậm do nhiều công ty bị lỗi kết nối đến hệ thống của sàn HoSE. Lệnh đặt mới không được xác nhận, lệnh cũ không thể hủy sửa khiến cổ phiếu ở sàn này bị đóng băng. Tính riêng buổi chiều, HoSE chỉ khớp được hơn 7.518 tỷ đồng, giảm 52% so với phiên sáng và là mức kém nhất 20 phiên chiều trở lại đây...

VN-Index thể hiện nhịp hồi lại về cuối phiên nhờ kéo trụ.
VN-Index thể hiện nhịp hồi lại về cuối phiên nhờ kéo trụ.

Diễn biến giao dịch phiên chiều nay rất chậm do nhiều công ty bị lỗi kết nối đến hệ thống của sàn HoSE. Lệnh đặt mới không được xác nhận, lệnh cũ không thể hủy sửa khiến cổ phiếu ở sàn này bị đóng băng. Tính riêng buổi chiều, HoSE chỉ khớp được hơn 7.518 tỷ đồng, giảm 52% so với phiên sáng và là mức kém nhất 20 phiên chiều trở lại đây.

Không phải tất cả các công ty đều bị lỗi kết nối, một số nhà đầu tư vẫn xác nhận giao dịch bình thường ở một vài công ty. Tuy nhiên tốc độ giao dịch cũng như mức thanh khoản thấp bất thường nói trên khẳng định biến động giá cổ phiếu trong phiên chiều dựa nên nền tảng cung cầu không đảm bảo tin cậy, đặc biệt là khi thị trường trải qua một đợt xả hàng cao kỷ lục trong phiên sáng.

Tuy nhiên việc “kẹt lệnh” này cũng đem lại kết quả tích cực cho nhiều mã khi giá tranh thủ được kéo lên bằng các lệnh rất nhỏ. Áp lực bán cũng do “kẹt lệnh” mà có thể bị đóng băng. VN-Index tạo đáy sâu mới lúc 2h giảm gần 14 điểm, nhưng sau đó hồi lại, đóng cửa còn giảm 7,25 điểm tương đương -0,57%.

Dẫn dắt chỉ số hôm nay là SAB tăng 4,07%, GAS tăng 1,39%, TCB tăng 1,3%, MSN tăng 1,59%. Thanh khoản ở các mã này khá nhỏ: SAB chỉ khớp 54,2 tỷ đồng phiên chiều, giảm tới 74% so với phiên sáng; GAS khớp 43,8 tỷ, giảm 69%; TCB khớp 137,4 tỷ, giảm 60%; MSN khớp 168,9 tỷ, giảm 53%. Tính chung cổ phiếu trong rổ VN30 chiều nay giảm giao dịch tới 52% so với phiên sáng.

Nếu thị trường bình thường, cổ phiếu hồi giá sau phiên sáng bán tháo cực mạnh và thanh khoản buổi chiều thấp là tín hiệu tích cực, cho thấy áp lực bán giảm đi. Tuy nhiên trong bối cảnh của phiên chiều nay, không có gì đảm bảo áp lực bán thực sự đã giảm, mà có thể là do nhà đầu tư muốn cũng không bán được.

Các cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường hôm nay hầu hết vẫn giảm giá mạnh.
Các cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường hôm nay hầu hết vẫn giảm giá mạnh.

Dù sao giá chốt hôm nay cũng sẽ là mức tham chiếu có hiệu lực cho phiên ngày mai. HoSE kết phiên với 130 mã tăng/356 mã giảm, thậm chí còn kém phiên sáng (133 mã tăng/339 mã giảm). Số mã giảm sâu trên 1% cũng tương đương buổi sáng với 141 cổ phiếu. Độ rộng lẫn mặt bằng giá xác nhận diễn biến hồi dần chiều nay dựa trên nền tảng đỡ trụ. Ngay cả khi có hồi giá lại thì áp lực bán vẫn thể hiện rất rõ.

Toàn sàn HoSE cuối phiên có 61 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 48 mã đỏ, trong đó 38 mã giảm hơn 1%. VRE, CTD, GEX, EVF, GVR, MWG, TCB, CII, DGW, LCG, DIG… đều giảm từ 2,5% tới hơn 3%, giao dịch hàng trăm tỷ đồng.

Dĩ nhiên hoàn toàn có thể suy nghĩ ngược lại là rất nhiều nhà đầu tư muốn bắt đáy nhưng lệnh bị kẹt nên không thể đẩy giá lên được, khiến nhiều mã đóng cửa với mức giảm sâu. Mỗi bên đều có lý do biện hộ cho quan điểm của mình, nhưng đó cũng chính là yếu tố khiến diễn biến phiên chiều nay kém tin cậy. Hệ thống giao dịch không bình thường, dòng tiền và cổ phiếu không thoải mái vận động thì giá cũng không phải là chắc chắn.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng giao dịch chậm lại, có thể cũng do nghẽn lệnh. Tổng giá trị mua vào thêm trên HoSE trong buổi chiều đạt 851,2 tỷ đồng và bán ra 707,7 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 143,5 tỷ. Phiên sáng khối này bán ròng rất lớn 304,3 tỷ đồng. Ngay cả vị thế ròng của khối này phiên chiều cũng kém tin cậy. Các mã được ghi nhận cuối phiên bán lớn là VHM -216,3 tỷ, VIX -116 tỷ, FUEVFVND -61,3 tỷ, VCI -54,8 tỷ, GEX -36 tỷ, VIC -31,3 tỷ, VNM -28,8 tỷ, LCG -28,2 tỷ, VCB -28 tỷ. Phía mua có NLG +85 tỷ, SSI +72,5 tỷ, CTG +70,9 tỷ, STB +39,4 tỷ, MSN +35 tỷ, KDH +31,4 tỷ, PVT +28,9 tỷ, DGC +49 tỷ, VRE +41,9 tỷ, KBC +41,6 tỷ.