Nhiều địa chỉ lãng phí được điểm danh
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công từ 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỷ, nay đội lên thành 36.000 tỷ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án.
Đây chỉ là một trong nhiều địa chỉ được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội điểm danh, khi thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016.
Chiều 19/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về nội dung này.
Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, theo cơ quan thẩm tra là có nơi, có lúc còn để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Báo cáo nêu rõ, năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh (tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng đề mua quà tặng dịp thành lập tỉnh), cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương (Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống) gây lãng phí và tốn kém.
Bên cạnh đó, việc mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước vẫn còn tình trạng không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định. Vẫn còn tình trạng chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm. Việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công và gây nhiều bức xúc trong nhân dân (bán thanh lý không qua đấu giá,…) theo tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương thì sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7000 chiếc.
Đáng chú ý là công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm trong thời gian qua đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra.
Như, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí -Hạ Long kiến nghị xử lý 24.533 triệu đồng trong đó giảm giá trị thanh toán 8.915 triệu đồng. Dự án đầu tư quốc lộ 1 đoạn km672+600-km704+900, tỉnh Quảng Bình kiến nghị xử lý tài chính 39.152 triệu đồng, giảm giá trị quyết toán: 1.152 triệu đồng....
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy có 11/27 dự án còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng.
Trong quản lý khai thác tài nguyên thì Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang... được điểm danh với nhận xét còn lãng phí, không theo quy hoạch, hiệu quả chưa cao.
Hà Nội và Đà Nẵng có tên trong các địa phương mà tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn diễn ra phức tạp.
Ở doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan thẩm tra nêu tên một số dự án không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục. Như 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương với số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng: Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên,...
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, xe công, sử dụng ngân sách nhà nước sai mục đích, chi tiếp khách, khánh thành , khởi công, tham quan...
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Quốc hội bố trí thời gian tại kỳ họp để thảo luận và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ thay cho việc gửi báo cáo để các đại biểu nghiên cứu như hiện nay.