Nhiều địa phương cảnh báo về hoạt động huy động vốn của công ty Nhật Nam
Với chiêu thức góp vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” hưởng tỷ suất sinh lợi lên tới 5 -7%/tháng, công ty Nhật Nam đã thu hút được rất nhiều người tham gia…
Gần đây, nhiều người dân tại một số địa phương đang rủ rỉ với bạn bè, người thân nhằm cùng tham gia đầu tư, góp vốn tại Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Nhật Nam) để được hưởng mức lợi nhuận rất cao.
SIÊU LỢI NHUẬN
Theo đó, công ty Nhật Nam tung ra nhiều gói đầu tư, người góp vốn sẽ được hưởng mức lợi nhuận tuỳ thời điểm công ty cam kết từ 5-8%, số tiền được trả theo ngày.
Chẳng hạn, một nhà đầu tư góp vốn 1 tỷ đồng theo phương thức “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tại công ty Nhật Nam, được hưởng tỷ suất sinh lợi 7% (tương đương mức lãi suất gần 50%/năm). Theo hợp đồng, mỗi tháng người này sẽ được nhận 70 triệu đồng (gốc và lãi), tương ứng mỗi ngày trong tuần nhận được khoảng 3,5 triệu đồng (trừ ngày thứ 7 và chủ nhật). Tuy nhiên, thời hạn cam kết góp vốn bắt buộc là 2 năm (24 tháng). Như vậy, sau 24 tháng, người góp vốn sẽ nhận được tổng cộng 1,680 tỷ đồng (gốc và lãi). Ngoài ra, còn được nhiều ưu tiên, như: mua đất dự án của công ty Nhật Nam, tặng vé du lịch…
Một nhà đầu tư góp vốn vào công ty Nhật Nam cho biết, đại diện công ty Nhật Nam cam kết và đảm bảo với khách hàng bằng hàng loạt hình ảnh sổ đỏ về đất đai đưa cho khách hàng xem, cùng những lời giới thiệu về loạt dự án nhà hàng, khách sạn, nhà ở thương mại… được công ty Nhật Nam mua lại (do những dự án này “đói vốn”) và kinh doanh có lời vài trăm tỷ đồng trên một dự án… Chính vì vậy, công ty có rất nhiều tiền để có thể trả lợi nhuận cao cho nhà đầu tư…
Tuy nhiên, mới đây các cơ quan chức năng đã cảnh báo hình thức góp vốn này của công ty Nhật Nam.
Theo đó, Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đã có văn bản thông báo về việc hoạt động của Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam.
Trong văn bản nêu rõ: Theo thông báo của Bộ Công an, Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam có trụ sở chính tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Người đại diện pháp luật là Vũ Thị Thuý (sinh năm 1983 - hộ khẩu thường trú tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thuý, Mai Thanh Tùng (chồng Vũ Thị Thuý), Vũ Đức Tại.
Các cá nhân này có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và trong hợp đồng đã cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Hiện nay, công ty này thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày, tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo ưu đãi mua bất động sản).
Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Số tiền công ty Nhật Nam đã huy động thông qua tài khoản ngân hàng là 3.800 tỷ đồng, nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, công ty này không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thuý (Giám đốc) để chuyển tiền.
Hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc với khách hàng, nhân viên công ty Nhật Nam rất đề phòng, từ chối cung cấp hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến chương trình đầu tư, pháp lý các dự án thuộc sở hữu của công ty Nhật Nam.
Mục đích sử dụng vốn huy động của công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó dòng tiền của nhà đầu tư đứt gãy, công ty này không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.
Không loại trừ khả năng Công ty Nhật Nam sẽ dùng thủ đoạn giải thể, phá sản doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nhà đầu tư gặp bất lợi khi giải quyết các tranh chấp với công ty này.
Mặt khác, bản thân Vũ Thị Thuý - Giám đốc công ty Nhật Nam đã có 03 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho nên nhiều khả năng tiếp tục phạm tội”.
Tại địa bàn huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung đã có nhiều người đầu tư vào công ty Nhật Nam cũng như có nhiều người đang được mời chào, kêu gọi đầu tư, góp vốn để được hưởng lãi suất cao và các ưu đãi khác, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và khả năng không thu hồi vốn đã đầu tư trong trường hợp công ty Nhật Nam không huy động được dòng đầu tư.
Để bảo vệ tài sản của cán bộ, công nhân viên chức và người dân, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân và công ty Nhật Nam, Công an huyện Bảo Yên đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, cảnh báo đến nhà đầu tư và cán bộ, công nhân viên chức và người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, không tham gia đầu tư tránh gây thiệt hại về kinh tế, phức tạo về an ninh trật tự.
CẢNH BÁO TỪ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Thông tin từ chính quyền địa phương là tỉnh Hoà Bình và TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) mới đây cũng đã lên tiếng về hoạt động huy động vốn của công ty Nhật Nam và ra văn bản cảnh báo người dân trên địa bàn.
Ngày 6/9/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hoà Bình đã có Văn bản số 1482 đề nghị các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Phòng Văn hoá – Thông tin… thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin liên quan đến công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh; nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tránh gây thiệt hại về kinh tế…
Trước đó, ngày 30/8/2022, Văn phòng của UBND tỉnh Hoà Bình đã phát đi Công văn số 7327 gửi các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh về việc xử lý nội dung liên quan đến công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình có ý kiến: Căn cứ thông báo của Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, tại Công văn số 518/ĐK (ngày 4/8/2022) có nêu: Công ty Nhật Nam có người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cùng với các cổ đông là Mai Thanh Tùng và Vũ Đức Tại… có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư…
Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Rà soát các cá nhân: Vũ Thị Thúy (giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Mới đây nhất, cùng với nội dung cảnh báo, UBND TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cũng đã ban hành Văn bản số 2382/UBND-VP yêu cầu UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, chủ động phòng ngừa vi phạm của công ty Nhật Nam.
Dựa trên đề nghị của cơ quan công an thành phố liên quan đến công ty Nhật Nam, UBND TP. Việt Trì cảnh báo các cán bộ, đảng viên, người dân cảnh giác trước “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của công ty này.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục nắm tình hình hoạt động của công ty này và văn phòng đại diện tại thành phố Việt Trì, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Theo một chuyên gia tài chính, thực tế, trước đây đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng “chiêu trò” huy động vốn bằng hình thức “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với cam kết lợi nhuận gấp 5 - 7 lần lãi suất của các ngân hàng thương mại.
Vị chuyên gia này cho rằng đây được xem là bất hợp lý về mặt tài chính, và kết quả dẫn đến việc tổ chức, doanh nghiệp này không còn khả năng chi trả; khách hàng thì chịu thiệt hại khi không lấy lại được số tiền đã bỏ ra đầu tư. Tuy cơ quan chức năng và các địa phương đã nhiều lần cảnh báo, nhưng không ít người vẫn bất chấp rủi ro để tham gia góp vốn nhận lợi nhuận cao.