10:16 24/12/2008

“Nhiều doanh nghiệp lỗ đậm vì đầu cơ phân bón”

Đình Nam

Hiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân bón trong nước còn tồn kho tới 2 triệu tấn sản phẩm

Giá phân bón đã xuống mức thấp nhất kể từ lúc lên đỉnh vào đầu năm 2008.
Giá phân bón đã xuống mức thấp nhất kể từ lúc lên đỉnh vào đầu năm 2008.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân bón trong nước còn tồn kho tới 2 triệu tấn sản phẩm. Tình trạng này làm cho nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.

Đánh giá thế nào về tình hình thị trường phân bón trong nước hiện tại, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nói:

- Do hầu hết các mặt hàng phân bón của chúng ta đều phải nhập khẩu nên thị trường phân bón trong nước phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường thế giới. Giá phân bón đã xuống mức thấp nhất kể từ lúc lên đỉnh vào đầu năm 2008. Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, phải giảm công suất sản xuất. Nếu ở thời điểm này năm 2007, lượng phân bón tiêu thụ đã đạt 70-80% so với lượng sản xuất thì năm nay lượng tiêu thụ mới đạt 40-50%.

Một nghịch lý nữa là, giữa lúc giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, cộng với giá phân bón đang giảm, thì giá than đá lại tăng tới 96%. Điều này đã làm tăng chi phí giá đầu vào, trong khi giá đầu ra lại rẻ, càng đẩy các doanh nghiệp vào chỗ khó khăn.

Nhưng cũng có nguyên nhân do các doanh nghiệp đầu cơ phân bón lúc giá cao nên khi giá xuống thấp như hiện nay đã bị thua lỗ?

Đúng vậy, không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thua lỗ do thị trường biến động mạnh mà cũng có một vài doanh nghiệp lớn đã lợi dụng thời điểm giá phân bón tăng cao tiến hành mua, gom một lượng hàng rất lớn, nên đã bị thua lỗ hàng tỉ đồng.

Các doanh nghiệp này đã tính toán đầu cơ, gom thật nhiều hàng và đợi đến vụ đông xuân mới tung ra để áp đặt giá bán trên toàn thị trường.

Đối với những loại phân bón để tồn kho lâu có thể mất phẩm chất. Liệu có thể kiểm soát được những doanh nghiệp cố tình tung loại phân bón này ra thị trường?

Thông thường, các loại phân bón nhập khẩu về chỉ giữ được 6 tháng, sau thời gian trên phân sẽ bị mất phẩm chất. Tuy nhiên, xin nói rõ là chỉ những loại phân bón nhập khẩu mới dễ bị mất phẩm chất (chủ yếu là urê), còn phân bón sản xuất trong nước thì không bị ảnh hưởng.

Theo tôi, việc giám sát là rất khó khăn, nên chỉ còn cách là phải cảnh giác trước số phân bón này. Các doanh nghiệp thường đưa cả loại phân sản xuất trong nước, có thương hiệu và chất lượng tốt bán lẫn với phân mất phẩm chất, nếu bà con nông dân không cảnh giác hoặc tham rẻ rất dễ mua phải loại phân này.

Vậy thị trường phân bón nội địa trong thời gian tới liệu sẽ diễn biến như thế nào?

Phân bón là một trong những mặt hàng chịu tác động lớn của suy thoái kinh tế, có nơi trên thế giới giá phân urê hạt đục giảm chỉ còn 115 USD/tấn (tức gần 2.000 đồng/kg). Do đó, theo tôi đến hết quý 1/2009, tình hình thị trường phân bón vẫn chưa có gì thay đổi, có chăng khi vụ đông xuân bắt đầu, giá phân sẽ nhích lên một chút, nhưng không thể cao bằng giá như thời kỳ trước đây.

Vì vậy, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản gửi lên Chính phủ và Bộ Tài chính kiến nghị 4 nhóm giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón: cho xuất khẩu ngược phân bón trở lại vào các thị trường có giá cao; không đánh thuế xuất khẩu; giãn nợ vay cho các doanh nghiệp sản xuất, mua phân bón; giảm lãi suất cho vay và giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp phân bón đến hết quý 1/2009.

Song đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiến gì.