Nhiều khoảng trống từ báo cáo chống lãng phí
Chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét báo cáo của Chính phủ còn chung chung, thiếu nhiều số liệu minh chứng cụ thể.
Cụ thể là chưa có số liệu minh chứng cho đánh giá các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được xử lý kịp thời, dứt điểm hay tỷ lệ giảm vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương, vay của doanh nghiệp nhà nước. Số lượng xe công dôi dư được sắp xếp, xử lý chưa có số liệu tổng thể, chỉ lấy được ví dụ đơn lẻ tạ Hà Nội và Bộ Tài chính..
Nguyên nhận của tình trạng này được cơ quan thẩm tra chỉ rõ là việc gửi chương trình và báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc chấp hành quy định về lập, gửi chương trình và báo cáo kết quả công tác này chưa nghiêm.
Nên, đến tháng 4/2018 khi Chính phủ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi chương trình để Bộ Tài chính tổng hợp. 4/34 bộ, cơ quan Trung ương, 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Thậm chí đến nay, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhưng vẫn còn 1/34 bộ, cơ quan trung ương; 1/63 tỉnh, thành phố, 4/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả. Và thực chất có 6/34 bộ, bộ, cơ quan trung ương; 6/63 tỉnh, thành phố và 9/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không ban hành chương trình .
Bên cạnh đó, một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả tiết kiệm chống lãng phí tại ngành, đơn vị mình cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nên báo cáo của Chính phủ không thể đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình, nhất là các vi phạm, sai sót.
"Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí", cơ quan thẩm tra đánh giá.
Ngoài việc chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách còn nhận xét, Chính phủ chưa phân tích, đánh giá kết quả thực hiện một số chỉ tiêu đề ra năm 2017.
Như cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành, bảo đảm 100% các dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định, thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng...
Trong khi đó, tại báo cáo này Chính phủ lại tiếp tục đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tương tự như các nội dung đã đề ra trong năm 2017 nhưng chưa đánh giá cụ thể mức độ hoàn thành khi kết thúc năm 2017. Như, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng, thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng...
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số lĩnh vực khác, theo cơ quan thẩm tra cũng còn hạn chế.
Đó là, một số loại tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của các ngành, lĩnh vực chưa có tiêu chuẩn, định mức. Định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp, việc triển khai thực hiện chủ trương khoán xe công còn chậm. Còn tình trạng một số địa phương mua sắm, trang bị tài sản chưa đúng đối tượng, vượt định mức.
Việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sau khi được phê duyệt và việc di dời các hộ gia đình bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đạt tỷ lệ thấp. Một số đơn vị sử dụng trụ sở, cơ sở vật chất được giao để kinh doanh, liên kết, cho thuê nhưng quản lý tài chính còn hạn chế ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.
Vẫn còn tình trạng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không qua đấu giá, vi phạm các quy định của pháp luật còn diễn ra ở nhiều địa phương gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Cuối báo cáo, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sớm ban hành chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để các bộ ngành, địa phương kịp ban hành chương trình trước 31/1 hàng năm.