16:56 11/06/2011

Nhiều nhà băng đã cận “room” tín dụng

Minh Đức

Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã gần giới hạn 20% - chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước xác định cho cả năm

Hiện đã có trên chục ngân hàng thương mại cổ phần có tăng trưởng tín dụng gần chạm mốc 20%, cá biệt có hai trường hợp tăng trên 20%.
Hiện đã có trên chục ngân hàng thương mại cổ phần có tăng trưởng tín dụng gần chạm mốc 20%, cá biệt có hai trường hợp tăng trên 20%.
Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại hiện đã gần giới hạn 20% - chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước xác định cho cả năm.

Ngày 10/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại khu vực phía Nam. Nội dung chính của cuộc họp này tập trung ở kế hoạch phát triển tín dụng của các thành viên.
 
Thông tin về cuộc họp cho biết, đến thời điểm này đã có trên chục ngân hàng thương mại cổ phần có tăng trưởng tín dụng gần chạm mốc 20%; cá biệt có hai trường hợp tăng trên 20%.

Trước thực tế này, ý kiến một số ngân hàng đưa ra tại cuộc họp là Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, thay vì ấn định mức 20% đó chung cho tất cả các thành viên trong hệ thống, cũng như tại các thời điểm trong năm một cách cứng nhắc.

Lý do là kế hoạch tăng trưởng tín dụng mỗi ngân hàng là khác nhau, gắn với đặc thù hoạt động, đặc điểm của mỗi thành viên; mặt khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng có cao có thấp ở các thời điểm trong năm, gắn với tính mùa vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế, lý do mà một số ý kiến đưa ra xuất phát từ sự phát triển không đồng đều giữa các thành viên. Và năm 2011 khá đặc biệt khi có sự chuyển giao về cơ cấu cũng như quy mô hoạt động từ bước chuyển 2010.

Cụ thể, năm 2010, nhiều ngân hàng thương mại chỉ có vốn điều lệ từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Để đảm bảo yêu cầu vốn pháp định, quy mô đó đã tăng rất mạnh, gấp 2 - 3 lần lên 3.000 tỷ đồng, hoặc cao hơn. Theo đó, áp lực tạo lợi nhuận từ mức vốn thay đổi rất lớn - đảm bảo lợi ích cổ đông - buộc ngân hàng phải mở rộng kinh doanh. Con đường truyền thống và trước mắt chủ yếu vẫn là phát triển tín dụng.

Nhưng nay tăng trưởng tín dụng bị khống chế ở mức 20%, tỷ trọng từ tín dụng thường chiếm từ 80% - 90% tổng cơ cấu thu nhập, trong khi quy mô vốn đã tăng 100% - 200%, thì những thành viên trên dễ bị rơi vào tình trạng cơ thể phát triển không cân đối.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc trên, quan điểm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là kiên quyết không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Điều này được xem như một cơ chế công bằng giữa các thành viên. Những trường hợp đã cận “room” trong thời gian tới sẽ buộc phải cơ cấu lại tín dụng hoặc phải cho vay ra nhỏ giọt.

Câu hỏi đặt ta là, sau 5 tháng đã có nhiều thành viên dùng gần hết chỉ tiêu 20%, tăng trưởng tín dụng như vậy có quá nóng, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất cho vay ở mức cao? Trong khi đó, đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống mới chỉ là 6,92%, dư địa còn lại theo chỉ tiêu 20% vẫn còn khá lớn.

Liên quan đến thực tế tăng trưởng tín dụng chung còn thấp so với chỉ tiêu, cũng như thực tế tổng phương tiện thanh toán 5 tháng mới chỉ tăng 1,57% trong khi kế hoạch cả năm là 15% - 16%, một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn thay vì duy trì sự thắt chặt như trong thời gian qua.

Cũng tại buổi làm việc nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa tái khẳng định không nới thời hạn giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất; các ngân hàng vi phạm sẽ bị xử phạt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không được mở rộng mạng lưới.

Ngoài những nội dung trên, về cơ bản thông tin về chính sách qua buổi làm việc tại khu vực phía Nam là không có gì mới. Dự kiến đầu tuần tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại khu vực phía Bắc.