15:07 05/06/2019

Nhiều nước được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại

An Huy

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura đã tìm thấy bằng chứng về việc Mỹ và Trung Quốc giảm nhập khẩu một số hàng hóa nhất định của nhau

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.

Hơn một năm trôi qua kể từ khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura đã tìm thấy bằng chứng về việc Mỹ và Trung Quốc giảm nhập khẩu một số hàng hóa nhất định của nhau để tránh thuế quan bổ sung.

Thay vào đó, các nhà nhập khẩu Mỹ và Trung Quốc tìm nguồn hàng thay thế từ các quốc gia khác không bị áp thuế. Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo vừa công bố của Nomura nói rằng nhiều nước được hưởng lợi từ sự chuyển hướng của các dòng chảy thương mại này.

"Thuế quan ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc gia tăng, kéo giá hàng hóa nhập khẩu giữa hai nước tăng theo", báo cáo viết. "Một số nhà xuất khẩu ở Mỹ và Trung Quốc có thể sẵn sàng chịu phần chi phí gia tăng do thuế quan bổ sung, và một số công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất để tránh thuế, nhưng quy luật thương mại cho thấy rằng theo thời gian, cách phản ứng được sử dụng nhiều nhất có thể là chuyển hướng thương mại".

Đến nay, Mỹ đã áp thuế quan 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Tổng thống Donald Trump đã dọa sẽ áp mức thuế tương tự lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Đáp trả Mỹ, Trung Quốc cũng đã áp thuế lên ít nhất 110 tỷ USD hàng hóa của đối phương.

Nhiều nước được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Đóng góp của sự chuyển hướng thương mại do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vào GDP của các nền kinh tế - Nguồn: Nomura/CNBC.

Nomura nói rằng cuộc chiến thuế quan này đã dẫn tới hệ quả là Mỹ và Trung Quốc nhập ít hàng hóa của nhau hơn, nhất là những sản phẩm bị áp thuế. Nhiều nền kinh tế được hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là như Việt Nam, Đài Loan, Chile, Malaysia, và Argentina.

Theo báo cáo, Việt Nam và Đài Loan hưởng lợi chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Chile, Malaysia và Argentina hưởng lợi nhiều từ việc bán được nhiều hàng hóa hơn cho Trung Quốc.

Khi đi vào phân tích các sản phẩm bị áp thuế, các chuyên gia của Nomura phát hiện thấy rằng thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ tìm nguồn hàng thay thế cho nhiều sản phẩm, bao gồm phụ tùng điện cho điện thoại, linh kiện máy móc văn phòng, máy xử lý dữ liệu tự động, đồ nội thất, và các sản phẩm dùng cho du lịch.

Trong khi đó, thuế quan Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc đi tìm nguồn hàng thay thế đối với các sản phẩm đậu tương, máy bay, hạt nông sản, và bông.

Dưới đây là một số sản phẩm mà Nomura nói rằng 5 nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại đã xuất khẩu được nhiều hơn trước:

- Việt Nam: linh kiện điện thoại, đồ nội thất, máy xử lý dữ liệu tự động
- Đài Loan: linh kiện máy chữ, máy văn phòng, linh kiện điện thoại
- Chile: quặng đồng, đậu tương
- Malaysia: vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn
- Argentina: đậu tương

Bản báo cáo nói rằng các nền kinh tế bên thứ ba có thể hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ-Trung thông qua việc trở thành nguồn hàng thay thế cho những sản phẩm mà hai nước này áp thuế lẫn nhau, nhưng cũng cảnh báo rằng những phát hiện trên không vẽ nên một bức tranh đầy đủ về cuộc chiến thương mại.

"Còn có nhiều vấn đề khác và ảnh hưởng kinh tế nói chung đối với hầu hết các quốc gia bên thứ ba sẽ là tiêu cực", báo cáo viết.

Theo báo cáo, những ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với các nền kinh tế khác bao gồm việc doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch đầu tư do bấp bênh thương mại, và nhu cầu giảm ở cả Mỹ và Trung Quốc do các công ty và người tiêu dùng ở hai nước này chịu chi phí gia tăng do thuế quan.