Nhiều trụ ngân hàng suy yếu, dòng tiền bắt đầu lan tỏa rộng
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm nhẹ 1,6% so với sáng hôm qua trong khi giao dịch tại nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm tới 15%. BID, MBB đã quay đầu giảm trong khi CTG, TCB tham chiếu. Các mã ngân hàng khác đều tụt giá dần về cuối phiên cho thấy lực cầu đang suy yếu. Vẫn chưa có các cổ phiếu vốn hóa lớn khác nổi lên thay thế khiến đà tăng ở VN-Index cũng đang chững lại...
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm nhẹ 1,6% so với sáng hôm qua trong khi giao dịch tại nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm tới 15%. BID, MBB đã quay đầu giảm trong khi CTG, TCB tham chiếu. Các mã ngân hàng khác đều tụt giá dần về cuối phiên cho thấy lực cầu đang suy yếu. Vẫn chưa có các cổ phiếu vốn hóa lớn khác nổi lên thay thế khiến đà tăng ở VN-Index cũng đang chững lại.
VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 11h trên tham chiếu hơn 7 điểm tương đương +0,65% nhưng kết phiên chỉ còn 4,18% tương đương +0,36%. Độ rộng tại đỉnh là 306 mã tăng/129 mã giảm và cuối phiên còn 287 mã tăng/151 mã giảm. Như vậy cổ phiếu quay đầu giảm giá cũng không đáng kể, chủ yếu là hiện tượng tụt giá.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động suy yếu khá rõ. Ngay đầu phiên BID đã đỏ và xu hướng diễn biến chính cũng là sụt giảm thêm. Chốt phiên sáng BID giảm 1,16%. Đây là diễn biến giảm lần thứ 2 trong vòng 3 phiên của mã này và cũng là 2 phiên giảm đầu tiên kể từ khi BID thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. MBB vẫn tăng nhẹ được một nhịp trước khi rơi qua tham chiếu, đang giảm 0,24%. Các cổ phiếu ngân hàng khác trong nhóm VN30 vẫn đang xanh.
Dù vậy sức ép chốt lời đang kiềm chế giá nhóm ngân hàng tương đối rõ. Hầu hết các mã nhóm này đã bị tụt giá với biên độ khá rộng: ACB tụt 1,55% so với đỉnh trong phiên, còn tăng 0,4% so với tham chiếu; CTG tụt 1,59% về tham chiếu; SHB tụt 2,02% còn tăng 1,25%; STB tụt 1,34% còn tăng 0,34%; TPB tụt 2,37% còn tăng 0,27%... VPB, VCB, VIB, TCB, SSB, HDB tuy tụt giá ít hơn nhưng đều không giữ được mức tăng tốt nhất và mức tăng cũng rất nhỏ.
Tổng thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE đã giảm 15% so với sáng hôm qua, tương đương giá trị tuyệt đối khoảng 463 tỷ đồng. Trong khi đó thanh khoản sàn này giảm tuyệt đối khoảng 209 tỷ đồng. Như vậy có tín hiệu mờ nhạt về sự gia tăng thanh khoản ở các cổ phiếu khác dù còn rất nhỏ. Với mức thanh khoản giảm, giá không giữ được độ cao tốt nhất, có vẻ lực cầu đẩy giá ở nhóm ngân hàng đã chững lại và suy yếu, dù bên mua chưa xả đến mức gây hại cho giá.
Thị trường vẫn chưa có hiện tượng thay đổi cổ phiếu dẫn dắt sáng nay. Ở nhịp tăng tốt nhất, một thoáng có VIC, MSN, GAS, VNM, HPG bật lên nhưng cũng không tạo thành xu hướng bền vững. VIC tăng cao nhất 0,92% đến cuối phiên còn 0,57%; MSN cao nhất +1,06% hiện còn +0,45%; GAS cao nhất +0,79% hiện còn +0,53%; VNM cao nhất +1,48% hiện còn +0,59%; HPG cao nhất +1,1% hiện còn +0,73%...
Do ngân hàng suy yếu, các trụ khác cũng kém, VN-Index trượt dần trong 30 phút cuối phiên sáng. Không mã nào trong Top 10 vốn hóa của chỉ số tăng được quá 0,8%, hai mã đỏ là BID và VHM. Điểm tích cực là có sự lan tỏa nhẹ về thanh khoản cũng như biến động tăng giá mạnh hơn ở các cổ phiếu khác. Cổ phiếu chứng khoán nổi lên với SSI tăng 0,74% giao dịch 518,3 tỷ đồng và VIX tăng 2,69% với 423 tỷ. Đây là 2 mã thanh khoản cao nhất thị trường. Tỷ trọng nhóm ngân hàng vẫn chiếm 33,4% tổng giá trị khớp sàn HoSE nên EIB, STB, SHB, TPB, MBB, VPB vẫn thuộc top 10 mã thanh khoản hàng đầu. Ngoài ra xuất hiện thêm HAG, CII, VND, HPG, VCI, DIG cũng giao dịch lớn dù biên độ tăng giá không đồng đều. Hiện VN-Index chỉ có 75/287 cổ phiếu tăng được hơn 1%.
Phía giảm sáng nay cũng không đáng chú ý, rất ít mã giảm sâu hay bị phân phối khối lượng lớn. 40/151 mã đang giảm trên 1% nhưng không mã nào thanh khoản cỡ trăm tỷ đồng. Đáng kể chỉ có FIR giảm 6,29% với 58,8 tỷ; KDC giảm 1,75% với 31,5 tỷ; BID giảm 1,16% với 70,9 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài đang tăng mua khá tốt, đã giải ngân 601,1 tỷ đồng trên HoSE và duy trì vị thế mua ròng 92,9 tỷ đồng. VIX được mua tốt nhất với 38,8 tỷ, STB +33,4 tỷ, OCB +31,4 tỷ, VPB +22,8 tỷ. Phía bán chỉ có chứng chỉ quỹ FUEVFVND -25,8 tỷ và PVD -25,7 tỷ là đáng kể.
Hiện tượng suy yếu dần của nhóm cổ phiếu ngân hàng là điều có thể đoán trước vì không thể đủ năng lực dòng tiền duy trì đà đi lên mãi trong bối cảnh thanh khoản quá lớn như vậy. Điều cần thiết là sự lan tỏa tăng giá sang các nhóm cổ phiếu khác để giữ nhiệt cho thị trường chung.