10:43 27/10/2011

Nhịn ăn để... đầu tư công?

Bảo Anh

Nếu không có một lộ trình cắt giảm cụ thể, đầu tư công sẽ đặt lên nền kinh tế nhiều hệ lụy tiêu cực

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực chống lạm phát thì nhiều địa phương vẫn mải mê chạy theo "bóng hồng" tăng trưởng khiến cắt giảm đầu tư công trở nên khó khăn.
Trong khi Chính phủ đang nỗ lực chống lạm phát thì nhiều địa phương vẫn mải mê chạy theo "bóng hồng" tăng trưởng khiến cắt giảm đầu tư công trở nên khó khăn.
Trong khi cử tri đang bức xúc, Chính phủ đang đau đầu về hiệu quả của đầu tư công, một thông tin khá “giật mình” từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các bộ, ngành và địa phương đã gửi danh mục dự án đầu tư công trong năm 2012 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng số tiền lên tới... 300 tỷ USD.

Và theo như lời TS. Lê Xuân Bá - Viện trưởng CIEM, “với một nền kinh tế quy mô chỉ hơn 105 tỷ USD như hiện nay thì chúng ta không được ăn gì, tiêu gì trong ba năm mới đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư chỉ trong một năm”.

Nếu không có một lộ trình cắt giảm cụ thể, đầu tư công sẽ đặt lên nền kinh tế nhiều hệ lụy tiêu cực, như lạm phát cao dai dẳng, rủi ro nợ công, thâm hụt thương mại gia tăng, lãi suất cao... Khuyến nghị trên vừa được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong một bản tin gửi tới các đại biểu Quốc hội, trong đó chỉ ra không ít hạn chế của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hiệu quả của đầu tư công.

Ở một báo cáo khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông báo, hiện tỷ lệ đầu tư của Việt Nam tăng lên 40% GDP nhưng hiệu quả đầu tư rất thấp. Nhiều dự án nằm trong danh mục được phép triển khai trong giai đoạn 5 năm tới đã có số vốn dự kiến vượt nhiều lần.

Cũng theo bộ này, dù Chính phủ đã và đang nỗ lực cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát, song trong 6 tháng đầu năm nay đã có thêm 6.731 dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được khởi công, tăng gần 1.000 dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số dự án hoàn tất và đưa vào khai thác chỉ là 4.693.
 
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm 2011 là 131.364 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nghịch lý là, dù nguồn vốn cho đầu tư công tăng lên nhưng tình trạng dự án bị chậm tiến độ vẫn rất phổ biến. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ bị chậm tiến độ chiếm đến 11,15%, trong khi năm 2010 chỉ là 9,78%. Đây là nguyên nhân chính làm tăng chi phí đầu tư, khiến cho dự án giảm hoặc không còn hiệu quả và tác động xấu đến nền kinh tế.

Điển hình cho việc đầu tư kém hiệu quả nêu trên là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum). Sau hơn 8 năm thực hiện dự án, hơn 1.000 tỷ đồng được rót vào đây nhưng đến nay mới chỉ có 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 175 tỷ đồng.

Trong phiên thảo luận về thực hiện kinh tế xã hội 2011, đầu tư công là một trong những chủ đề được các đại biểu mang ra “mổ xẻ” nhiều nhất. Hầu hết đại biểu đều cho rằng, ắt giảm đầu tư công là việc làm cấp bách, song không nên cắt giảm đại trà, mà phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thế nhưng, khi bàn về “nên cắt cái gì, cho cái gì” thì mới thấy việc cắt giảm đầu tư công không hề đơn giản, bởi nó đụng chạm đến lợi ích của từng địa phương, bộ ngành.

Đơn cử như trong phần thảo luận tại tổ cuối tuần qua, trong khi các đại biểu của các địa phương còn khó khăn như Hà Tĩnh, Lai Châu, An Giang… cho rằng, cần đầu tư mạnh cho nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, thì đại biểu các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM lại đề nghị đầu tư vào các khu đô thị để tạo sức bật, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) thẳng thắn: “Đại biểu Quốc hội phê Chính phủ đầu tư dàn trải, song lỗi một phần thuộc về các đại biểu, vì đại biểu nào cũng đề nghị tăng đầu tư cho ngành mình, địa phương mình”.

Báo cáo của tháng 9/2011 của Bộ Công Thương đã lý giải cho thực tế trên: “cắt giảm đầu tư công đã làm giảm nhập khẩu máy móc, phụ tùng phục vụ cho phục vụ cho xây dựng cơ bản trong 8 tháng đầu năm 2011...”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đặt câu hỏi: “Chúng ta ai cũng phàn nàn đầu tư dàn trải, nhưng trong 500 đại biểu Quốc hội, có ai dám đứng lên nhận ngành mình, địa phương mình đầu tư dàn trải, tự xin rút không?”.

Cũng trong bản tin nói trên của Ủy ban Kinh tế, cơ quan này cho rằng, nếu không có một lộ trình cắt giảm cụ thể, đầu tư công sẽ đặt lên nền kinh tế nhiều hệ lụy tiêu cực như lạm phát cao dai dẳng, rủi ro nợ công, thâm hụt thương mại gia tăng, lãi suất cao... Tuy nhiên, Ủy ban cũng quan ngại trước thực tế, cắt giảm đầu tư công trong ngắn hạn sẽ gặp nhiều khó khăn do đụng chạm lợi ích của địa phương và ngành.

Do đó, cắt giảm đầu tư công và thâm hụt ngân sách cần một chiến lược và lộ trình cụ thể, rõ ràng, minh bạch và đảm bảo tính định lượng trong giai đoạn trung hạn 2011 - 2015, theo Ủy ban Kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cắt giảm đầu tư công phải được coi là công cụ chính sách quan trọng khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều.

Ngoài ra, Ủy ban cũng cho rằng, cần nhấn mạnh tới hoạt động tái cấu trúc đầu tư công trong nền kinh tế, giảm đầu tư công vào các lĩnh vực mà tư nhân có thể thực hiện hiệu quả, hướng đầu tư công vào những lĩnh vực mà tư nhân không thể làm được hoặc không muốn làm nhưng lại đóng vai trò lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.