10:35 02/02/2009

Nhìn lại các vụ mua bán công ty đáng chú ý năm qua

Linh San

Giao dịch mua bán công ty trong năm 2008 tăng về số lượng, nhưng giá trị lại giảm hơn nhiều so với năm 2007

Tổng giá trị của những giao dịch trong năm 2008 chỉ đạt 1.009 triệu USD so với 1.719 triệu USD trong năm 2007.
Tổng giá trị của những giao dịch trong năm 2008 chỉ đạt 1.009 triệu USD so với 1.719 triệu USD trong năm 2007.
Báo cáo mới nhất của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) ngày 19/1 cho biết, tổng số lượng giao dịch mua bán công ty (M&A) trong năm 2008 tại Việt Nam là 146 thương vụ, nhiều hơn 26% so với năm 2007.

Tuy nhiên, tổng giá trị của những giao dịch trong năm 2008 chỉ đạt 1.009 triệu USD, so với 1.719 triệu USD trong năm 2007.

Ông Stephen Gaskill, Giám đốc Dịch vụ tư vấn của PwC tại Tp.HCM, cho rằng điều này phản ánh tốc độ chậm của một số giao dịch mua bán lớn và tốc độ cổ phần hóa chậm do hầu hết các giao dịch mua bán lớn trong năm 2007 liên đới tới nhiều công ty nhà nước mới được cổ phần hóa.

M&A trong ngành tài chính vẫn năng động nhất

Ông Stephen Gaskill cho biết, xét về giá trị các giao dịch, Việt Nam dường như phải chịu tỷ lệ phần trăm giật lùi cao hơn hoạt động mua bán toàn cầu và khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm tăng số lượng các giao dịch mua bán được thông báo là cao hơn nhiều so với các nước khác và các khu vực khác.

"Phần lớn các giao dịch được thực hiện riêng biệt, do đó, có giới hạn về việc công bố giá trị các giao dịch mua bán và các ngoại lệ khác. Tầm quan trọng của các công ty được niêm yết đang ngày tăng, các chuẩn mực công bố tốt hơn và giá trị các giao dịch mua bán cao hơn sẽ tiếp tục góp phần cải thiện dữ liệu sẵn có trong tương lai tại Việt Nam", ông Gaskill nói.

Theo báo cáo của PwC, trong năm 2008, ngành tài chính vẫn năng động nhất sau các ngành công nghiệp. Các ngành công nghiệp trong năm 2008 năng động hơn so với năm 2007 được ký kết bởi các giao dịch mua bán về vận chuyển & cơ sở hạ tầng và ngành ôtô & linh kiện.

Ngành truyền thông và giải trí cũng tăng trưởng trong năm 2008 chiếm 12% tổng các giao dịch mua bán, đặc biệt là ngành quảng cáo, tiếp thị và Internet.
Nhìn lại các vụ mua bán công ty đáng chú ý năm qua - Ảnh 1
Các giao dịch mua bán đáng lưu ý trong 6 tháng cuối năm 2008 bao gồm: vào tháng 7, Công ty TNHH Jardine & Carriage (JC&C) đã thông báo mua 12% cổ phần của Tập đoàn ôtô Trường Hải (THACO), một công ty ôtô hàng đầu của Việt Nam với chi phí khoảng 41 triệu USD và vào tháng 8, JC&C đã mua thêm 8% cổ phần với khoảng 36 triệu USD.

Vào tháng 8, Société Générale của Pháp, có các văn phòng đại diện tại Hà Nội và Tp.HCM từ năm 1989 và là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính cho dự án và nhập khẩu tại Việt Nam, đã thông báo việc mua 15% cổ phần Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).

HSBC đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam được cho phép nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng trong nước bằng cách tăng số cổ phần tại Ngân hàng Techcombank từ 14,4% lên 20%.

Trong giao dịch mua bán quan trọng được thông báo vào tháng 8, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam (PVD) đã mua lại 49% số cổ phần còn lại trong Công ty Cổ phần Đầu tư khoan dầu khí Việt Nam, chủ sở hữu một giàn khoan và đang trong quá trình mua 2 giàn khoan dầu nhằm mục đích cho PVD thuê.

Và cũng trong tháng 8, trong một cuộc giao dịch trị giá khoảng chừng 9,1 triệu USD, Công ty TNHH Daikin Industries của Nhật Bản đã mua Công ty Việt Kim - một nhà bán lẻ máy lạnh tại Tp.HCM.

Cuối cùng, cũng trong tháng 8, Holcim Việt Nam đã mua Công ty Xi măng Cotec thuộc Tập đoàn COTEC Việt Nam, với giá trị ước tính 50 triệu USD.
Nhìn lại các vụ mua bán công ty đáng chú ý năm qua - Ảnh 2

Vào tháng 10, chi nhánh châu Á của Bunge Limited đã thông báo mua 50% cổ phần quyền sở hữu của Cảng Phú Mỹ.

Ngân hàng United Overseas (UOB) thành lập tại Singapore, đã thông báo tăng cổ phần tại Ngân hàng Cổ phần Thương mại Phương Nam Việt Nam (Southern bank) từ 10% lên 15% vào tháng 10 năm 2008. Giá trị cuộc giao dịch mua bán này là 15,6 triệu USD.

Trong một cuộc mua bán ngân hàng khác, Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đã bán 20% cổ phần cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) do Nhà nước Việt Nam sở hữu với giá 400 tỷ đồng (tương đương 24 triệu USD).

Cũng trong tháng 10, Tập đoàn Thép Nippon đã ký bảng ghi nhận về việc mua khoảng 10%- 20% cổ phần tại Công ty TNHH Posco-Việt Nam, một nhà sản xuất thép cuộn lạnh và là đơn vị kinh doanh do Công ty Posco Hàn Quốc sở hữu.

Vào tháng 12, TBWA Wordwide đã thông báo mua "một lượng cổ phần đáng kể" của Công ty Biz Solutions, một trong những công ty tiếp thị và truyền thông tích hợp hàng đầu tại Việt Nam.

Trong cuộc mua bán đáng lưu ý khác nữa vào tháng 12/2008, Công ty Watson Wyatt Worldwide, một công ty tư vấn toàn cầu, thông báo đã mua Công ty TNHH Nguồn nhân lực Việt Nam Smart (Smart HR), một công ty tư vấn các dịch vụ nhân sự.

Đáng lưu ý là vào tháng 12/2008, Petro Vietnam đã tăng lượng cổ phần của mình ở Công ty Rusvietpetro, một công ty sản xuất và khai thác dầu khí Nga lên 98% từ 49% thông qua việc mua thêm 49% cổ phần của Zarubezhneft.

Một cuộc mua bán khác trong nước quan trọng nữa là vào cuối tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về cơ bản đã phê duyệt việc mua 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel).

Một thông báo khác nữa cho biết Deutsche Bank có thể sớm tăng số cổ phần từ 10% lên 15% tại Habubank và Quantas có khả năng tăng số 18% cổ phần tại hãng hàng không Jestar Pacific lên 49% cao hơn mức trần là 30% do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quy định trước đây.

Các giao dịch mua bán M&A đã được thông báo


2008 (triệu USD) 2007 (triệu USD) % tăng/giảm 2008 (lượng giao dịch) 2007 (lượng giao dịch) % thay đổi
Trên toàn thế giới 2.935.960 41.169.960 Down29,6 39.597 43.817 Down  9,6
Mỹ 986.283 1.570.848 Down37,2 9.165 11.296 Down18,9
Trung Quốc 104.253 75.390 Up38,3 2.983 2.587 Up15,3
Đông Nam Á 75.176 75.675 Down  0,7 2.065 2.001 Up  3,2
Việt Nam 1.009 1.719 Down41,3 146 108 Up 35,2

Triển vọng M&A tại Việt Nam năm 2009

Ông Stephen Gaskill cho biết, dự đóan hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2009 cực kỳ khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, PwC tin rằng Việt Nam vẫn là điểm quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vì Việt Nam vẫn được coi là có tiềm năng kinh tế lâu dài theo hướng tích cực.

Theo đó, các công ty quản lý quỹ và các công ty thương mại sẽ tiếp tục theo đuổi và hoàn tất các giao dịch M&A quan trọng trong năm 2009.

Tuy nhiên có khả năng đa số các nhà đầu tư sẽ có nhiều thận trọng hơn với các giao dịch so với trước giữa năm 2008. Nói chung thì các cuộc thương lượng về giá cả và các điều khoản giao dịch sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

"Trong một chừng mực nào đó, độ trễ thời gian hoạt động mua bán đã xuất hiện vào những tháng cuối năm 2008 và do vậy chúng ta có thể thấy rằng nhiều giao dịch mua bán đã bắt đầu nhưng chưa hoàn tất trong năm 2008 sẽ được hoàn tất trong 6 tháng đầu năm 2009", ông Gaskill nói.

Theo những thay đổi pháp lý mới đây, về cơ bản, PwC dự đoán nhiều ngành nghề sẽ tăng đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động M&A với 100% vốn chủ sở hữu. Theo ông Gaskill, ngành bán lẻ là một trong những ngành có tiềm năng cao nhất.

Tùy thuộc vào việc nhất quán cải thiện áp dụng các pháp chế đã được phê chuẩn, PwC cũng dự đoán rằng nhiều doanh nghiệp liên doanh hoạt động trong các ngành nghề khác nhau trước giờ chịu môi trường pháp lý giới hạn sẽ chuyển đổi thành các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

"Chúng tôi cũng hy vọng các công ty Việt Nam đang hoạt động trong các ngành nghề này và đang phải hứng chịu nhiều khó khăn từ những khó khăn kinh tế vừa qua và chịu kết quả yếu kém của chứng khoán Việt Nam sẽ được tổ chức lại và hợp nhất hơn nữa. Ví dụ: các ngân hàng nhỏ, các công ty chứng khoán, công ty sản xuất thép, và các nhà phát triển bất động sản", ông Gaskill nói.

Theo đó, hoạt động M&A trong nước có khả năng tiếp tục đạt được mức tương đương nếu như không muốn nói cao hơn so với năm 2008.