15:14 01/12/2011

Nhìn từ cam kết của MB...

Vũ Ca

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) một lần nữa đưa ra cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2011

Có thể nói đây là lần đầu tiên việc hoàn thành các chỉ tiêu của năm, đặc biệt là về lợi nhuận, của MB đứng trước những câu hỏi từ thị trường.
Có thể nói đây là lần đầu tiên việc hoàn thành các chỉ tiêu của năm, đặc biệt là về lợi nhuận, của MB đứng trước những câu hỏi từ thị trường.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) một lần nữa đưa ra cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2011.

Trước đó, trước thềm sự kiện chính thức niêm yết cổ phiếu (mã MBB) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) ngày 4/11 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng này cũng đã có khẳng định tương tự.

Cam kết trên của MB là đáng chú ý, bởi một số nguyên do.

Thứ nhất, trong suốt những năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế và hoạt động ngân hàng, MB là một trong số ít nhà băng liên tục vượt đích sớm các chỉ tiêu kế hoạch cả năm chỉ sau 9 - 10 tháng cùng với tốc độ tăng trưởng cao.

Thứ hai, MB đang có sự thay đổi rõ rệt trong minh bạch thông tin, trong ứng xử với cổ đông và nhà đầu tư, xuất phát từ yêu cầu của một doanh nghiệp niêm yết. Những năm qua, hiếm khi ngân hàng này cập nhật thông tin về tình hình hoạt động một cách chi tiết như vậy (ngoài yêu cầu báo cáo định kỳ theo quy định).

Thứ ba, có thể nói đây là lần đầu tiên việc hoàn thành các chỉ tiêu của năm, đặc biệt là về lợi nhuận, của MB đứng trước những câu hỏi từ thị trường, sau kết quả đạt được qua 9 tháng cũng như những khó khăn chung đang thể hiện.

Sự quan tâm của thị trường tập trung ở nguyên do thứ ba.

Theo thông tin vừa công bố, 9 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất của MB đạt 2.161 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm; nhưng lợi nhuận hợp nhất (theo tỷ lệ góp vốn) mới đạt 1.934 tỷ đồng, tăng 104 tỷ đồng so với cùng kỳ 2010 (1.832 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng này có hoàn thành được chỉ tiêu 2.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2011?

Như đề cập ở trên, câu hỏi đó gắn với thực tế khó khăn đang thể hiện trong hoạt động. Đó là sự gia tăng của nợ xấu trong năm nay, từ mức 1,26% vào thời điểm 31/12/2010 lên 1,46% vào 30/6/2011 và khoảng 1,6%, dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của ngành (khoảng 3%). Đó là các khoản trích dự phòng rủi ro cũng đang tăng lên, từ 650,5 tỷ đồng cuối 2009 lên 879,4 tỷ đồng cuối năm 2010 và đã ở mức 1.282,4 tỷ đồng vào 30/6/2011.

Và một điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vừa qua là trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của MB ghi nhận khoản lỗ 571,3 tỷ đồng. Từ đây, hiệu quả kinh doanh của đơn vị trực thuộc là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS) lại được chú ý, cũng như được nhà đầu tư chất vấn ngay tại buổi công bố niêm yết vừa qua.

Về hoạt động của TLS, mới đây lãnh đạo MB giải thích rằng Chứng khoán Thăng Long đang có chiến lược tái cơ cấu, với định hướng trở thành một ngân hàng đầu tư thay vì một nhà môi giới hàng đầu trên thị trường, một tổ chức tự doanh mạnh với nhiều rủi ro. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao TLS có sự sụt giảm chóng mặt về thị phần môi giới trong khoảng một năm trở lại đây.

Trong thông tin vừa công bố, lãnh đạo MB cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng này sẽ tập trung hỗ trợ TLS vượt qua khó khăn hiện nay, đảm bảo hoạt động ổn định và cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch 2011 của cả tập đoàn.

Trở lại với cam kết đó, tính khả thi của nó như thế nào?

Trước hết, với những khó khăn chung của hoạt động, nợ xấu và chi phí dự phòng tăng lên, trong trao đổi mới đây, lãnh đạo MB nhấn mạnh: “Chúng tôi hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, nghiêm túc và lành mạnh. Theo đó, việc kiểm soát nợ xấu, xử lý rủi ro tín dụng luôn là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Dù có thể ảnh hưởng đến con số lợi nhuận chung, nhưng quan điểm của chúng tôi là luôn phải chủ động trong trường hợp xấu nhất, sẽ có đủ khả năng tài chính để xử lý nếu có rủi ro lớn nhất xảy ra”.

Điều đó cũng giải thích vì sao, theo Quyết định 493 của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 5/2010 các ngân hàng mới phải thực hiện trích đủ 0,75% dự phòng chung, nhưng tại MB đã chủ động trích đủ từ cuối năm 2009.

Một thuận lợi cho tính khả thi của cam kết trên là MB đang có thế mạnh về phát triển tín dụng và sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp. Dư địa đẩy mạnh tín dụng vẫn còn khá lớn trong quý còn lại của năm, khoảng 14% so với giới hạn dưới 20% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Đáng chú ý là trong năm nay, một điểm nổi bật trong cơ cấu nguồn thu của MB là sự gia tăng mạnh của dịch vụ. 9 tháng đầu năm 2011, con số đạt được từ nguồn này là 651 tỷ đồng, tăng đáng kể với cùng kỳ năm 2010. Đây cũng là điểm mà lãnh đạo MB cho biết sẽ tiếp tục tạo khác biệt, cũng như cơ sở cho khả năng hoàn thành ở kết quả chung năm 2011.

Ở định hướng chung, lạnh đạo MB cho biết những khó khăn của năm nay đã được ngân hàng lường trước và đã chủ động tạo những hướng đi có thể xem là một sự “bù đắp” đáng kể. Hai năm trước, MB triển khai chiến lược mở rộng thị phần ở khu vực phía Nam, và nay kết quả đạt được là gấp đôi chỉ tiêu dự kiến. Sau gần một năm mở chi nhánh tại Lào, hướng đi này cũng đã sớm cho lợi nhuận. Sắp tới, tháng 12/2011 là bước tiếp theo tại thị trường Campuchia…

“Chúng tôi cam kết hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, có nhiều khó khăn nhưng sẽ quyết tâm đạt được. Có lẽ, sau những cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, bối cảnh kinh doanh năm nay tiếp tục là một thử thách đối với sự vững vàng MB, và chúng tôi sẽ vượt qua để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, như kỳ vọng của cổ đông và nhà đầu tư”, đại diện Ban lãnh đạo MB nói.

Cùng với đó, một cam kết khác của MB cũng đã được Hội đồng Quản trị thực hiện, khi quyết định tạm ứng cổ tức đợt 1/2011 với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt vào đầu tháng 12 này.