Nhức nhối nợ đọng xây dựng
100% doanh nghiệp xây dựng, từ những công ty nhỏ cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có nợ đọng. Trong đó, số nợ trên 1.000 tỷ vô cùng nhiều...
Ví như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoàn 12, vốn đăng ký 800 tỷ nhưng dư nợ tính đến hết quý 1/2022 là trên 1.500 tỷ đồng; Tổng công ty Lilama bị nợ khoảng 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng… Điều này cho thấy nợ đọng xây dựng là vấn đề vô cùng nhức nhối.
Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác. Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, tình trạng trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, mà ở cả các dự án sử dụng các nguồn vốn khác, nếu không được tháo gỡ kịp thời, cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp xây dựng thật sự đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG CHỦ YẾU LÀ QUY MÔ NHỎ
Kết quả khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp xây dựng do VACC thực hiện cho thấy, quy mô vốn chủ yếu là dưới 100 tỷ đồng. Do đó, trong quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư thường không có sự bình đẳng. Chỉ rất ít nhà thầu làm được công trình đòi hỏi chất lượng rất cao, thi công phức tạp mới có thể thương thảo, đàm phán, còn lại đa số khó kiếm được hợp đồng, công việc bị phụ thuộc vào chủ đầu tư.
Hơn nữa, do vốn nhỏ, hoạt động các doanh nghiệp xây dựng đầu tiên dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (song hầu hết chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngân hàng bị siết room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao nên nhiều doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ.
Trong khi đó, khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư – nhà thầu (hợp đồng xây dựng) vẫn còn nhiều vướng mắc, thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp trong khâu thanh quyết toán, nên phần thua thiệt luôn thuộc về nhà thầu. Hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại khoảng 20-25% cuối của dự án. Nhiều doanh nghiệp vốn bị nợ gấp đôi vốn hiện có, nên nợ chồng nợ, lấy được nợ cũ lại bù cho nợ mới.
Một số nhà thầu may mắn được trả nợ bằng sản phẩm bất động sản (nhà đất hoặc căn hộ) thì lại gặp khó khăn do không đăng ký hành nghề kinh doanh bất động sản, nên phải thành lập đơn vị bán hàng hoặc chấp nhận bán đổ, bán tháo để thu vốn, gây phức tạp cho thị trường bất động sản cũng như cho xã hội. Một số nhà thầu không may thì bị nợ dai dẳng, nợ khó đòi rất cao.
Chia sẻ về điều này, ông Dương Xuân Đệ, Giám đốc Công ty cổ phần Hawee, cho biết công tác nghiệm thu, thanh quyết toán phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của chủ đầu tư, dù có quy định trong các điều khoản hợp đồng. Nhiều dự án do lỗi của chủ đầu tư mà bị chậm tiến độ đã làm tăng chi phí thực hiện dự án của nhà thầu nhưng chủ đầu tư không có trách nhiệm giải quyết những thiệt hại này cho nhà thầu. Những chi phí đó không hề nhỏ, gồm: chi phí vốn thực hiện dự án, chi phí gia hạn bảo lãnh, chi phí cho nhân sự, kho bãi, thay đổi giá nhân công vật tư…
“Dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội chậm tiến độ hoàn thành 12 năm song các khoản yêu cầu bồi thường do chậm tiến độ đến nay vẫn chưa được giải quyết; Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy đã đưa vào vận hành cuối 2018 nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành thủ tục quyết toán do chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy bởi chủ đầu tư thay đổi thiết kế. Chủ đầu tư đã bán được hàng song vẫn vin vào lý do trên để không quyết toán cho nhà thầu. Tương tự, dự án Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan đã đưa vào vận hành từ năm 2018 nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành thanh toán hết công nợ dù đã xong thủ tục quyết toán. Nhà thầu đã gửi đơn ra tòa để xử lý tranh chấp nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Đệ đưa dẫn chứng.
KHỞI KIỆN CÓ PHẢI LÀ GIẢI PHÁP TỐI ƯU?
Nói về việc khởi kiện chủ đầu tư không thực hiện trách nhiệm trả nợ, đại diện Tập đoàn Hòa Bình nhìn nhận khi có tranh chấp xảy ra, khởi kiện luôn là phương án cuối cùng, không phải là giải pháp tối ưu nhất. Với Tập đoàn Hòa Bình, bất đắc dĩ mới phải lựa chọn giải pháp này.
Được biết, trong năm 2014, Tập đoàn Hòa Bình và FLC đã ký kết hai hợp đồng xây dựng. Đối với hợp đồng thứ nhất, Tập đoàn được Chủ đầu tư giao thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc Dự án sân Golf và Khu nghỉ dưỡng quốc tế. Đối với hợp đồng còn lại, Hòa Bình được giao thực hiện cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái.
Hòa Bình đã thi công xây dựng hoàn thành các dự án nêu trên theo chỉ dẫn của Chủ đầu tư và đệ trình hợp lệ các hồ sơ thanh toán, quyết toán. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã không thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ thanh toán cho Tập đoàn, mặc dù đã nhận bàn giao và đưa các công trình vào khai thác, sử dụng trên thực tế.
Với tinh thần thiện chí và hợp tác, Tập đoàn Hòa Bình đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán và đề nghị tổ chức phiên họp để xử lý các khoản nợ tồn đọng và cũng đã đồng ý cắt giảm phần lợi nhuận của mình (thậm chí hòa và lỗ) để chia sẻ với Chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng, Chủ đầu tư nhiều lần đưa ra các đề nghị vô căn cứ và mang tính áp đặt đơn phương nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán.
Quá trình thương lượng diễn ra trong nhiều năm nhưng không thể thu hồi được nợ khiến Tập đoàn Hòa Bình gặp rất nhiều thiệt hại về tài chính. Cuối cùng, doanh nghiệp này phải đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp. Đối với Dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế, Hoà Bình đã khởi kiện chủ đầu tư tại Toà án nhân dân có thẩm quyền, còn với Dự án khu đô thị du lịch sinh thái thì khởi kiện tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Tòa án và VIAC đã buộc Chủ đầu tư phải thanh toán cho Tập đoàn Hòa Bình toàn bộ giá trị thi công thực tế còn thiếu, các khoản phạt và tiền lãi chậm thanh toán theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, việc đòi được nợ từ chủ đầu tư cũng vô cùng khó khăn.
Qua thực tế vụ việc, Tập đoàn Hòa Bình cho rằng việc áp dụng thương lượng để giải quyết tranh chấp là rất cần thiết và là ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo uy tín cho cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư. Tuy nhiên cũng cần xác định được giới hạn của việc thương lượng.
Thứ nhất, giới hạn về mức độ nhượng bộ: sự thành công của việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng chủ yếu phụ thuộc vào thái độ thiện chí và hợp tác của các bên. Do đó, nếu nhận thấy phía Chủ đầu tư không có thái độ thiện chí và hợp tác thì việc thương lượng sẽ không mang lại kết quả. Khi đó, Nhà thầu cần lựa chọn phương án, giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của mình.
Thứ hai, giới hạn về thời gian thương lượng: việc kéo dài thời gian thương lượng không chỉ gây ra thiệt hại tài chính cho nhà thầu mà còn ảnh hưởng đến vấn đề thời hiệu khởi kiện. Do đó, nhà thầu cần xem xét áp dụng phương án khởi kiện trước khi hết thời hiệu khởi kiện theo quy định pháp luật để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.
Tương tự như Tập đoàn Hòa Bình, trước tình trạng chây ì của chủ đầu tư dự án Artemis, Tập đoàn Delta đã không chấp nhận thỏa hiệp, mà đã kiện ra tòa. Đại diện Delta cho biết chủ đầu tư dự án này đã bán hết hàng nhưng nhất quyết không thanh toán cho nhà thầu mà tìm đủ mọi cách như thay đổi đơn vị tư vấn, thay ban quản lý dự án, bắt lỗi thiếu căn cứ…, thậm chí là “thay tên, đổi chủ” để trốn tránh trách nhiệm trả nợ.
Từ thực tế vướng mắc về nợ đọng, đại diện Delta và nhiều doanh nghiệp xây dựng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xếp hạng, đánh giá năng lực, uy tín chủ đầu tư, thực hiện công bố công khai bảng xếp hạng. Theo đó, áp dụng bảng xếp hạng này vào yếu tố đánh giá chủ đầu tư khi tham gia đầu tư dự án mới tương ứng với cấp công trình đầu tư; có chế tài xử lý các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán với nhà thầu, trong đó yêu cầu chủ đầu tư phải trả lãi do thanh toán chậm cho nhà thầu…