07:00 06/12/2021

Những chuyến du lịch cùng laptop hậu đại dịch

Tường Bách

Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ với một chiếc laptop hay thậm chí là một chiếc smartphone, chúng ta đã có thể xử lý công việc một cách dễ dàng. Đó cũng là điều kiện để workation trở nên thịnh hành và phổ biến. ..

“Workation”, được ghép từ “work” – làm việc và “vacation” – kỳ nghỉ, được dùng để nói về xu hướng du lịch kết hợp với làm việc từ xa của giới văn phòng. Tuy không phải là định nghĩa quá xa lạ với dân công sở trên thế giới, xu hướng này gần đây ngày càng được khách du lịch toàn cầu ưa chuộng do ảnh thưởng của đại dịch Covid-19. Workation được dự đoán sẽ trở thành một loại hình quan trọng trong tương lai của ngành du lịch, ít nhất là trong vài năm tới.

ĐIỂM ĐẾN BẮT BUỘC PHẢI CÓ WIFI

Theo nghiên cứu khảo sát của Booking.com về dự đoán Tương lai của Du lịch, hơn một nửa số khách du lịch Việt Nam (52%) cân nhắc đặt chỗ nghỉ ở điểm đến nào đó, nơi họ có thể làm việc thay vì ở nhà hoặc tại văn phòng, đồng thời 57% không ngại đi cách ly nếu có cơ hội làm việc từ xa.

Khi mọi người có thể tự do làm việc ở bất cứ nơi nào tùy thích, năm 2022 và nhiều năm xa nữa có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng du khách muốn thực hiện những chuyến đi dài ngày để kết hợp làm việc với nghỉ dưỡng. Một khảo sát gần đây của trang Mic.com cho thấy, có tới 60% người trẻ thuộc độ tuổi Millennials (20 - 39 tuổi) cảm thấy “áy náy” với đồng nghiệp khi bản thân đi du lịch trong còn đồng nghiệp phải đảm nhiệm cả khối lượng công việc của họ. Vì thế, họ chọn workcation như một giải pháp ổn định công việc và tinh thần. 

Trong năm 2022, máy tính xách tay sẽ trở thành vật dụng du lịch thiết yếu phải có trong hành lý. Những du khách workation sẽ ưu tiên các điểm đến có đủ tiện nghi văn phòng, wifi nhanh và cảnh sắc thú vị, tầm nhìn mãn nhãn. Đương nhiên, các biện pháp phòng dịch an toàn và đảm bảo sức khỏe tại mỗi điểm đến vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Không gian làm việc thoải mái, linh động, ít bị gián đoạn hơn sẽ mang lại cho các du khách này nhiều thời gian hơn để tập trung và mang đến giá trị hiệu quả hơn trong công việc, đồng thời cơ hội du lịch và thư giãn có thể cải thiện sức khỏe của họ. 

Những người bận rộn hoàn toàn có thể tận hưởng kì nghỉ mà không cần phải bỏ công việc đang dở dang.
Những người bận rộn hoàn toàn có thể tận hưởng kì nghỉ mà không cần phải bỏ công việc đang dở dang.

“Hiện tại, du lịch nội địa đã khởi động trở lại. Tôi có tham khảo một vài khu nghỉ dưỡng, resort và lên kế hoạch workation cùng một vài người bạn để vừa hoàn thành công việc mà vừa có thể đến với biển cả, núi non. Công việc của chúng tôi hầu hết có thể hoàn thành online, vì thế có thể chủ động thời gian để cân bằng giữa công việc và nghỉ dưỡng,” chị Lê Mỹ Lan (đường Trần Hưng Đạo, phường 8, Q.3, TP.HCM) chia sẻ.

Không chỉ là “đổi gió” giúp tăng nguồn cảm hứng trong công việc hay giúp bản thân giải tỏa căng thẳng, workation còn giúp thúc đẩy quá trình phục hồi du lịch. Hiện nay, nhiều điểm đến đã giới thiệu các gói ưu đãi cho đặt phòng theo tuần và theo tháng. Chiến lược này giúp tận dụng các nguồn nhu cầu mới đồng thời nâng cao tỉ lệ đặt phòng và tăng doanh thu khi ngành du lịch bắt đầu hành trình phục hồi. 

TIỀM NĂNG CỦA CÁC ĐIỂM ĐẾN CHÂU Á

Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, một số quốc gia trên thế giới dần dần  tiến hành mở cửa cho du khách quốc tế, đặc biệt là những du khách lưu trú dài ngày để vừa có thể phòng chống dịch, vừa có thể vực dậy ngành du lịch nước nhà. Trong bối cảnh hộ chiếu vaccine vẫn chưa thể sớm được triển khai với quy mô toàn thế giới, việc điều chỉnh một số chính sách để trở thành điểm đến workation có thể sẽ là bước đệm đầu tiên giúp các quốc gia thu hút được các du khách quốc tế.

Trên nhiều nền tảng dành cho tín đồ du lịch, các điểm đến châu Á như Indonesia, Maldives, Thái Lan luôn được đánh giá cao nhờ các chính sách nhập cảnh khá dễ dàng cho du khách nước ngoài. Ngoài ra, về mặt địa lý, khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng có khí hậu nhiệt đới ấm áp với nhiều vùng vịnh biển đẹp. Đồng thời, các quốc gia nơi đây có nhiều đảo nhỏ tách biệt, một điều kiện thuận lợi trong việc triển khai hình thức du lịch trọn gói khép kín.

Một trong các quốc gia châu Á đầu tiên đã áp dụng chương trình thị thực dành riêng cho workation là Dubai. Theo đó, Dubai cho phép các du khách nhập cảnh, thậm chí mang theo người thân, để sinh sống tại đây trong vòng một năm và song song làm việc từ xa cho công ty của mình tại quê nhà. Tuyệt vời hơn, Dubai cũng không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với những du khách này dù họ hoàn toàn có quyền tận dụng các dịch vụ trong nước như viễn thông hay giáo dục. 

Thái Lan cũng đã có một chương trình thị thực đặc biệt mang tên Smart Visa dành cho những ai muốn đến đây làm việc với thời hạn lên đến 4 năm. Tuy nhiên, các đối tượng du khách mà chương trình này hướng tới hầu hết là những cá nhân có trình độ cao và đòi hỏi phải có chứng thực nguồn thu nhập. Indonesia cũng có các chương trình thị thực đặc biệt dành cho khách lưu trú dài hạn như Social Visa, Tourist Visa và Cultural Visa, cho phép du khách lưu trú đến 60 ngày và có thể gia hạn thêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 30 ngày…

Các nước Đông Nam Á có nhiều đảo nhỏ tách biệt, một điều kiện thuận lợi trong việc triển khai hình thức du lịch trọn gói khép kín.
Các nước Đông Nam Á có nhiều đảo nhỏ tách biệt, một điều kiện thuận lợi trong việc triển khai hình thức du lịch trọn gói khép kín.

Đầu tháng 11 vừa qua, danh sách 147 thành phố tuyệt vời nhất trên thế giới để kết hợp công việc và nghỉ ngơi đã được Holidu - trang web của Anh quốc chuyên về du lịch quốc tế công bố. Danh sách mà trang web này đưa ra được đánh giá dựa trên các tiêu chí như chi phí để thuê một căn hộ nhỏ, chi phí ăn uống, đi lại, số giờ nơi đó có ánh sáng... và tốc độ wifi.

Trong danh sách 147 thành phố được Holidu nhắc đến, có 3 đại diện của Việt Nam, gồm: Hà Nội (xếp thứ 18) TP.HCM (xếp thứ 21) và Hội An (xếp thứ 32). So với nhiều thành phố khác trên thế giới thì tốc độ wifi ở 3 thành phố của Việt Nam không phải là xuất sắc, nhưng chi phí cho việc ăn uống lại thấp hơn hẳn. Thành phố đứng đầu trong danh sách này chính là Bangkok (Thái Lan). Các nước châu Á khác cũng xếp thứ hạng cao trong danh sách này như Phuket (Thái Lan) xếp thứ 10, Kuala Lumpur (Malaysia) xếp thứ 20, Singapore xếp thứ 22…

Hậu đại dịch, du lịch workcation hứa hẹn sẽ là xu hướng phát triển dài hạn. Với đặc điểm tích hợp “tất cả trong 1”, những người bận rộn hoàn toàn có thể tận hưởng kì nghỉ mà không cần phải bỏ công việc đang dở dang. Với những bạn trẻ đã phải ở nhà quá lâu, việc được ngồi từ bàn làm việc nhìn ra hồ nước thanh bình hay phong cảnh núi non hùng vĩ thay cho bức tường đơn điệu của căn phòng, được coi là giải pháp cực kì hữu hiệu để giải tỏa áp lực và cân bằng cuộc sống. 

 

Không phải khách sạn, khu nghỉ dưỡng nào cũng trang bị sẵn các thiết bị văn phòng (máy in, văn phòng phẩm, phòng họp...). Trong tương lai, nếu hướng tới đối tượng khách workation, các cơ sở lưu trú cần nhanh chóng nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng có liên quan; đào tạo nhân viên cũng như tuyển dụng nhân sự chuyên môn nếu cần.