08:32 02/05/2007

Những dấu hỏi lớn về cổ phiếu Intimex

Hoàng Lộc

Hiện Công ty Xuất nhập khẩu Intimex đang quản lý 19 khu đất, thuê của Nhà nước từ 10 đến 49 năm

Tại siêu thị Intimex ở Hà Nội - Ảnh: VNN.
Tại siêu thị Intimex ở Hà Nội - Ảnh: VNN.
Ngày 1/5/2007, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex (Intimex HCM) công bố phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 14,4 tỷ lên 28,8 tỷ đồng, số lượng phát hành 1,44 triệu cổ phiếu phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), trong đó 6% trả cổ tức năm 2006 và 94% bán cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành đúng bằng mệnh giá, thời gian chốt danh sách trả cổ tức và quyền mua là ngày 5/5/2007.

Năm 2005, Công ty Xuất nhập khẩu Intimex đã tiến hành cổ phần hóa 3 công ty con và trong năm 2006, ba công ty con cổ phần đã chính thức đi vào hoạt động, đó là: Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Intimex Hà Nội, Công ty cổ phần Sài Gòn Intimex và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex.

Như vậy, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex là công ty con của Công ty Xuất nhập khẩu Intimex (công ty mẹ, đang tiến hành cổ phần hóa) chính thức công bố phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).

Dấu hỏi lớn thứ nhất mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là trong bản cáo bạch do Công ty Xuất nhập khẩu Intimex công bố trước cuộc bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra bên ngoài để cổ phần hóa vào ngày 12/4, vì sao công ty này đã không công bố danh sách những người lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Intimex (công ty mẹ) nắm giữ số lượng bao nhiêu cổ phiếu ở 3 công ty con và bản thân công ty mẹ nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu ở các công ty con.

Dấu hỏi lớn thứ hai là có sự lũng đoạn cuộc bán đấu giá cổ phiếu của công ty mẹ ngày 12/4 vừa qua hay không? Ngày 28/4, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoãn thu tiền của các nhà đầu tư trúng đấu giá trong đợt bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thực hiện cổ phần hóa của Công ty Xuất nhập khẩu Intimex (công ty mẹ) vào ngày 12/4/2007 theo yêu cầu của Bộ Thương mại để các cơ quan chức năng Nhà nước xác định lại tính minh bạch và sự tuân thủ quy định pháp luật của cuộc đấu giá này.

Ngày 12/4, Công ty Xuất nhập khẩu Intimex đã bán đấu giá 1.682.800 cổ phần (cổ phiếu) với giá trúng đấu giá rất cao (gấp 16 lần mệnh giá) mặc dù công ty đã công bố công khai những thông tin về tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, thua lỗ, nợ vay khá lớn và nhiều rủi ro.

Tổng số cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) Công ty Xuất nhập khẩu Intimex đưa ra bán đấu giá là 1.682.800 cổ phiếu, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua 1,5 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phiếu. Tổng số lượng cổ phiếu đăng ký 32.943.300 cổ phần, tổng số nhà đầu tư đăng ký đấu giá: 1.078, trong đó nhà đầu tư cá nhân: 1.061, nhà đầu tư có tổ chức là 17.

Tổng khối lượng đặt mua hợp lệ 32.873.600 cổ phiếu, giá đấu thành công cao nhất là 162.100 đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công thấp nhất 160.000 đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công bình quân 160.025 đồng/cổ phiếu, tổng số lượng cổ phiếu bán được là 1.682.800 cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu bán được 269,29 tỷ đồng.

Điều rất đáng chú ý là trong số hơn 1.000 người đăng ký đấu giá thì chỉ có 1 tổ chức và 10 cá nhân trúng đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài không trúng đấu giá một cổ phiếu nào.

Vậy tại sao làm ăn thua lỗ mà giá đấu giá cổ phiếu Intimex vẫn cao ngất ngưởng, gấp hơn 16 lần mệnh giá?

Theo nhận định của một số chuyên gia, trong cuộc đấu giá, cổ phiếu Intimex có thể đã bị một số “đại gia” lũng đoạn (hơn 1.000 người đăng ký nhưng chỉ có 10 người trúng đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài không mua được một cổ phiếu nào) với mục đích thâu tóm toàn bộ hơn 1,68 triệu cổ phiếu vào trong tay để sau này nắm toàn quyền quyết định trong Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex Việt Nam (công ty mẹ chuẩn bị ra đời sau khi hoàn thành cổ phần hóa) và cả quyền lực ở 3 công ty con.

Rất có thể họ đã dùng thủ thuật để kích bằng được giá đấu giá cổ phiếu thành công bình quân lên mức cao ngất ngưởng để "loại bỏ" những nhà đầu tư bên ngoài công ty. Dấu hiệu của việc kích giá có thể nhận thấy qua thông tin công bố như: chỉ tiêu tài chính 3 năm qua không sáng sủa, làm ăn thua lỗ, nhiều khoản nợ phải đòi...

Tuy nhiên, hiện Công ty Xuất nhập khẩu Intimex đang quản lý 19 khu đất, thuê của Nhà nước từ 10 đến 49 năm, có khu đất thời hạn thuê tới năm 2052, ở Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai với tổng diện tích lên tới 2.364.251 m2. Đây thực sự là một tài sản lớn mà nhiều công ty nằm mơ cũng không thấy.