11:14 14/12/2023

Những khoản trợ cấp mà người lao động được hưởng khi tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Nhật Dương

Người lao động tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi gặp tình huống rủi ro sẽ được quỹ chi trả các chế độ trợ cấp, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, giúp ổn định cuộc sống sau điều trị, phục hồi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

"ĐIỂM TỰA" CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TÌNH HUỐNG RỦI RO

Bà Lý Hoàng Minh, Phó trưởng Phòng bảo hiểm xã hội ngắn hạn, Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, trong quá trình lao động có thể xảy ra những rủi ro bất thường ngoài ý muốn của con người.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thiệt hại đối với người lao động là tổn thất về sức khỏe, khả năng làm việc, khả năng không thể quay trở lại công việc cũ, điều trị bệnh kéo dài…, dẫn đến giảm sút hoặc mất thu nhập.

Việc triển khai thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng đảm bảo đầy đủ, công bằng quyền và lợi ích hợp pháp đối với người lao động.

Đây là một chính sách an sinh xã hội thiết thực và hữu ích, góp phần bù đắp, chia sẻ rủi ro, gánh nặng tài chính cho người lao động, người sử dụng lao động, giúp người lao động, người sử dụng lao động yên tâm lao động, sản xuất.

Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định, đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho họ, thì khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ mà người lao động khi tham gia vào quỹ được hưởng (khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), người sử dụng lao động phải trả cho người lao động thay cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, nếu người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đầy đủ cho người lao động thì sẽ giảm bớt được gánh nặng lớn khi không may trong quá trình lao động, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

“Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động, thực sự trở thành “điểm tựa” cho người lao động, người sử dụng lao động, góp phần cùng các chế độ bảo hiểm xã hội khác xây dựng, đảm bảo một nền tảng an sinh xã hội bền vững”, bà Minh nhấn mạnh.

GIẢM BỚT GÁNH NẶNG CHI PHÍ 

Theo bà Lý Hoàng Minh, người tham gia vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc khi bị tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp sẽ được quỹ chi trả các chế độ như sau: Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần khi suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động; trợ cấp một lần đối với thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 36 tháng lương cơ sở.

Khai thác than hầm lò có nhiều nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa - MOLISA.
Khai thác than hầm lò có nhiều nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa - MOLISA.

Các khoản trợ cấp khác gồm: Trợ cấp phục vụ đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình đối với người lao động bị tai nạn lao động, mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng.

Họ cũng được hưởng bảo hiểm y tế khi nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Bên cạnh đó, tại Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đơn cử như kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động.

Người sử dụng lao động cũng phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động, hoặc bệnh nghề nghiệp như sau: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Bên cạnh đó, phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời, thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động, hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

Người sử dụng lao động cũng phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc…