Những lĩnh vực doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của "ông lớn" ngành điện tử
Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh, cơ hội và nhiều dư địa tham gia vào nhiều nhóm lĩnh vực trong chuỗi cung ứng của “ông lớn” điện tử tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Vậy, để tham gia vào chuỗi cung ứng này, các doanh nghiệp cần lưu ý và cần những yếu tố nào?
Bắc Ninh đang phát triển trở thành một trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu Việt Nam. Nơi đây đã trở thành địa bàn chiến lược với các doanh nghiệp trong kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng ngành điện tử.
Hiện nay, Bắc Ninh đang có một số dự án FDI có vốn lớn tiêu biểu như Canon, Foxconn Hồng Hải, Samsung... KCN Yên Phong được coi là vùng “thung lũng” công nghiệp điện tử, thu hút đầu tư sản xuất điện tử, linh kiện điện tử quy mô lớn. Bên cạnh đó, KCN Quế Võ thu hút đầu tư ngành công nghiệp sản xuất điện tử, cơ khí, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hàng không vũ trụ…
NHIỀU DƯ ĐỊA CHO DOANH NGHIỆP THAM GIA CHUỖI CUNG ỨNG ĐIỆN TỬ
Hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử đang dành mối quan tâm rất lớn cho Khu công nghiệp Bắc Ninh.
Tại sự kiện xúc tiến đầu tư, cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Bắc Ninh diễn ra ngày 17/11/2022, ông Tôn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Quế Võ cho biết, hiện nay KCN Quế Võ 2 có 40 nhà đầu tư đang hoạt động đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư ở các lĩnh vực điện tử, sản xuất gia công cơ khí chính xác…
Nói về các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Bắc Ninh, ông Hoàng Minh, trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP đầu tư và phân phối DTJ Group cho biết, trong top 6 doanh nghiệp 100% vốn FDI tại Việt Nam có tới 3 doanh nghiệp điện tử đều nằm ở Bắc Ninh (Samsung, Poster, Canon).
Các ý kiến đều có chung nhận định, các doanh nghiệp ngành điện tử có lợi thế rất lớn, có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vượt trội tại Bắc Ninh.
Vậy, doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia cung ứng những lĩnh vực nào trong chuỗi? Ông Minh cho rằng, trong 6 nhóm ngành thuộc chuỗi cung ứng đẩy (từ vùng nguyên liệu đến quá trình sản xuất và tạo sản phẩm), các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lớn để tham gia vào nhóm công nghệ hóa chất điện tử; bao bì; linh kiện điện…
Với công nghệ hóa chất điện tử, hiện nay Samsung đang tìm kiếm các nhà cung ứng tuân thủ các quy định tiêu chuẩn môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam đang giữ vị trí nhà phân phối cấp 1, 2 cho các tập đoàn.
Xu thế các Tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đang mong muốn đầu tư sáng tạo, giá trị vô hình, R&D, còn các khâu cung cấp, sản xuất và lắp ráp sẽ tìm các nhà cung ứng...
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có thế mạnh và nắm thị phần cung ứng vỏ nhựa và bao bì cho các Tập đoàn lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm cho Tập đoàn điện tử như Samsung, mang lại doanh thu lớn.
Ở nhóm linh kiện điện- dây dẫn, Motor, Pin, điện trở, Samsung đang tìm kiếm các nhà cung ứng mới cho cơ khí chính xác và điện điều khiển. Ngành linh kiện điện tử cũng là một trong những ngành có thế mạnh của các công ty liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam và có thể trở thành nhà cung ứng của các Tập đoàn.
Đại diện Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel cho biết, Viettel đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm gia công cơ khí chính xác tích hợp vào sản phẩm cho ngành hàng không vũ trụ của Tập đoàn Meggit (đơn vị đang là đối tác cấp 1 của Boeing).
Riêng với ngành công nghệ lõi cung cấp bảng mạch, vi mạch điện tử, chip điều khiển, hệ thống tự động…,các doanh nghiệp điện tử hàng đầu tại Bắc Ninh đều nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty lớn trên thế giới. Hiện chưa có công ty liên doanh Việt Nam nào là nhà phân phối cấp 1 của các Tập đoàn này. Đây cũng không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử Bắc Ninh là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các Tập đoàn công nghiệp điện tử lớn như Samsung, Apple…đặt cơ sở sản xuất hoặc có các đơn vị cung ứng cấp 1. Đây là dư địa rất lớn và cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho ngành điện tử.
LƯU Ý CÁC DOANH NGHIỆP KHI THAM GIA VÀO CHUỖI CUNG ỨNG ĐIỆN TỬ
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để có thể tham gia cung ứng cho các tập đoàn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực lớn, liên tục đổi mới sáng tạo, tăng công suất và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Với cơ hội tiềm năng, mức độ canh tranh trong chuỗi cung ứng lĩnh vực này là rất lớn, có nhiều đối thủ sẵn sàng đầu tư tham gia, thế chỗ các nhà cung ứng.
Ưu thế cạnh tranh bền vững tối ưu trong một chuỗi cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn hàng đầu nằm ở vị trí và thời gian giao hàng chính xác...
Muốn tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản lý để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cần tăng cường chuỗi liên kết, chia sẻ giữa cộng đồng các doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, ông Minh thông tin, hiện nay, các Tập đoàn điện tử hàng đầu cũng đang phát triển các chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm nguồn cung ứng mở. Theo đó, các Tập đoàn này sẽ mở nguồn và tổ chức các cuộc thi, hỗ trợ chi phí và đánh giá các kết quả sản phẩm, thí nghiệm các mô hình nhỏ. Đây cũng là cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ, quản trị, bổ trợ hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Có thể thấy, xu hướng các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đang mong muốn đầu tư sáng tạo, giá trị vô hình, R&D, còn khâu cung cấp, sản xuất và lắp ráp sẽ tìm các nhà cung ứng.
Với việc phân phối ra nước ngoài của ngành điện tử, hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu tại Bắc Ninh đang tìm kiếm chuỗi phân phối ra nước ngoài. Các tập đoàn điện tử tại Bắc Ninh đang phân phối trực tiếp khoảng hơn 30% qua các kênh phân phối, còn lại qua các kênh gián tiếp. Đây là tiềm năng cho các doanh nghiệp phân phối sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Các chuyên gia cũng lưu ý các doanh nghiệp khi có kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng phải hiêu rõ qui tắc, qui trình, địa điểm tiếp nhận, thông tin phản hồi. Ví dụ tiêu chí đánh giá của Samsung ở vòng 1 có 5 tiêu chí đánh giá (giá thành sản phẩm, nhân sự và nguồn lực máy móc thiết bị, giao hàng nhanh, khả năng cạnh tranh và nghiên cứu phát triển, khống chế rủi ro). Ở vòng tiếp theo, doanh nghiệp sẽ đánh giá các tiêu chí kinh tế, môi trường và xã hội.
Các doanh nghiệp phải xác định rõ mục tiêu sẽ trở thành nhà cung ứng cấp 1 hay cấp 2 của các tập đoàn điện tử.
Các doanh nghiệp phải hiểu rõ sản phẩm bởi các tập đoàn điện tử đang tập trung nhiều vào hoạt động gia tăng giá trị vô hình, R&D thay vì dành nhiều thời gian vào hoạt động sản xuất và lắp ráp bằng cách thuê ngoài (nhà cung cấp) cho những dịch vụ này.
Về báo cáo tài chính, một số nhà cung cấp dùng báo cáo tài chính với một số “Kỹ thuật” để tăng giá trị doanh thu, rất có khả năng vi phạm lỗi “trốn thuế”, sẽ bị loại hồ sơ, các chuyên gia lưu ý.