Những mối nguy của kinh tế và chứng khoán Mỹ năm 2024
Những dự báo về chỉ số S&P 500 sẽ lập kỷ lục và một cuộc “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ trong năm 2024 cho thấy Phố Wall đang lạc quan về năm mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ cựu cảnh báo rằng nguy cơ đi xuống vẫn hiện hữu...
Theo trang Business Insider, một số nhà kinh tế học nhận định thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ có thể vẫn chưa “ngấm” hết tác động từ các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thời gian qua.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều mối nguy kể cả khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Lạm phát dai dẳng, nợ công tăng cao và tiêu dùng suy giảm… là những yếu tố có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và từ đó tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
NGUY CƠ LẠM PHÁT DAI DẲNG
Báo cáo lạm phát Mỹ mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tại nước này tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây, sau khi chỉ số ghi nhận mức tăng 3,1% trong tháng 11. Số liệu này lại gây xáo trộn các dự báo về xu hướng chính sách của Fed và thách thức kỳ vọng hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 3 tới.
“Quan trọng nhất là, tình hình hiện tại cho thấy rõ ràng không cần thiết phải xảy ra suy thoái để đưa lạm phát về mức 2%. Vì vậy, nếu xảy ra suy thoái thì đó là hậu quả từ sai lầm của Fed”, nhà kinh tế trưởng Preston Caldwell của Morningstar, nhận xét. “Và sai lầm đó có thể được khắc phục nhanh chóng bằng cách hạ lãi suất nhanh và mạnh”.
Còn theo ông Charlie Ripley, chiến lược gia cấp cao về đầu tư Allianz, trong trường hợp nền kinh tế bắt đầu “ngấm” các hiệu ứng đến trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt, việc làm trong nền kinh tế sẽ giảm, thất nghiệp gia tăng, và kéo theo đó là tiêu dùng sụt giảm.
"Tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm và kéo theo đó là các chỉ số chứng khoán đi xuống”, ông Ripley nhận định. “Để điều này xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp phải tăng trên 4% hoặc gần 5%”.
Số liệu quá khứ cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận thành quả không đồng nhất trong các giai đoạn xảy ra suy thoái ở nước này. Cụ thể, trong 31 cuộc suy thoái từng xảy ra tại Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ 2, khoảng một nửa chứng kiến thị trường chứng khoán tăng trưởng âm.
Một điều đáng chú ý nữa là lợi nhuận của thị trường chứng khoán chủ yếu tập trung vào 7 cổ phiếu vốn hóa siêu lớn trong năm ngoái, do đó, nếu các mã này sụt giá mạnh thì có thể kéo tụt chỉ số toàn thị trường.
TIÊU DÙNG SỤT GIẢM, NỢ CÔNG TĂNG NHANH
Theo các nhà phân tích, người dân Mỹ về cơ bản đã sử dụng hết tiền tiết kiệm từ thời đại dịch Covid-19 và chi tiêu tiêu dùng trong nền kinh tế có thể đã bắt đầu xu hướng giảm. Nợ thẻ tín dụng quá hạn tại nước này đang tăng lên, trong khi người dân tiết kiệm ít hơn và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.
Kể cả trong các kỳ nghỉ lễ, hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực bán lẻ cũng sụt giảm cho thấy các doanh nghiệp đang trở nên thận trọng.
“Dù các số liệu vừa qua cho thấy nền kinh tế có vẻ khỏe mạnh, nhưng mọi thứ khá mong manh nếu chi tiêu tiêu dùng đi xuống”, ông Sal Naro, giám đốc đầu tư tại Coherence Credit Strategies, nhận xét. "Sự sụt giảm đó sẽ khiến các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và sa thải nhân sự để kiểm soát biên lợi nhuận, và điều này càng khiến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn”.
Không chỉ các hộ gia đình, Chính phủ Mỹ cũng đang chứng kiến khối nợ công cao lịch sử.
Ông Eric Diton, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tại The Wealth Alliance, chú ý tới việc Mỹ bị Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm trong bối cảnh nợ công vượt mốc 34 nghìn tỷ USD gần đây.
Một điều đáng lo ngại là nợ công Mỹ ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trạng thái tương đối khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp – vốn được xem là trạng thái tốt để kìm hãm thâm hụt ngân sách. Bởi thông thường, trong các giai đoạn kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao, chính phủ tăng chi tiêu nhằm kích thích tăng trưởng.
“Ở một thời điểm nào đó, hoàn toàn có khả năng các chủ nợ của Chính phủ Mỹ yêu cầu mức lãi cao hơn để bù đắp rủi ro khi đầu tư tiền vào một chính phủ chưa có kế hoạch cụ thể để giảm nợ”, ông Diton nói với Business Insider. "Lãi dài hạn tăng lên sẽ khiến nền kinh tế chậm tăng trưởng và sau cùng có thể gây ra một cuộc suy thoái”.
Trong khi đó, JPMorgan cảnh báo rằng tình hình nợ công của Mỹ giống như câu chuyện “con ếch bị luộc trong nồi nước dần sôi” và có thể là quá muộn để tránh những hậu quả tồi tệ nhất.
RỦI RO ĐỊA CHÍNH TRỊ
Các cuộc xung đột và biến động địa chính trị trên thế giới cũng là những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Xung đột Nga-Ukraine cũng như chiến tranh Israel-Hamas và các cuộc tấn công trên Biển Đỏ thời gian qua đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động vận tải biển toàn cầu. Căng thẳng cũng đang leo thang ở châu Á liên quan tới các vấn đề Trung Quốc-Đài Loan và Mỹ-Trung. Phản ứng quân sự của Mỹ với các cuộc xung đột này có thể gây ra áp lực lớn tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Việc tài trợ cho một cuộc chiến tranh sẽ đè nặng lên bảng cân đối kế toán vốn đã nặng nợ của Mỹ, khiến chi tiêu công trong nước giảm xuống và kéo theo một cuộc suy thoái”, ông Diton phân tích.
Bên cạnh đó, những gián đoạn ở Biển Đỏ cũng đe dọa đưa lạm phát toàn cầu trở lại mức cao trong năm nay. Bởi lẽ, vùng biển quanh kênh đào Suez là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất với hoạt động thương mại quốc tế. Đặc biệt, gián đoạn trong dòng chảy năng lượng có thể mở ra một chương mới cho câu chuyện lạm phát.