17:02 14/03/2014

Những ngày ác mộng của người thân hành khách MH370

Diệp Vũ

Đau khổ, giận dữ, nóng ruột như lửa đốt, mong có điều kỳ diệu xảy ra

Cô Huang Yi (trái), hành khách trên chuyến bay mất tích, và con gái Yuanyuan (phải) - Ảnh: CNN.<br>
Cô Huang Yi (trái), hành khách trên chuyến bay mất tích, và con gái Yuanyuan (phải) - Ảnh: CNN.<br>
Cặp vợ chồng người New Zealand chị Danica và anh Paul Weeks vốn không xa lạ gì với thảm họa. Con trai lớn của họ, bé Lincoln, sinh ra giữa trận động đất ở Christchurch vào năm 2010. Chỉ 3 năm sau, vào cuối năm 2012, họ gặp tai nạn xe hơi khi đi tới Australia.

Bởi thế, khi anh Paul tới làm việc trong một khu mỏ ở Mông Cổ vào đầu tháng nay, nhà Weeks đã rất thận trọng - chị Danica cho biết. Do không thể đeo nhẫn cưới và đồng hồ khi làm việc ở mỏ, anh Paul để những thứ này lại ở nhà, với lời dặn hãy trao lại cho hai cậu con trai, “nếu có điều gì xảy ra với anh ấy”.

Trên đường đi tới Mông Cổ, anh Paul đã bay chuyến MH370 định mệnh của hãng Malaysia Airlines.

Phát biểu trên kênh CNN hôm 13/3, chị Danica nắm chặt nhẫn cưới của chồng và cố ngăn dòng nước mắt chỉ chực trào ra trên khóe mắt. Đến ngày hôm nay, 14/3, đã 7 ngày trôi qua kể từ khi MH370 biến mất nhưng hầu như chưa có thông tin nào về tung tích của chiếc Boeing 777-200 mang theo 239 hành khách này.

“Khoảng thời gian khó khăn nhất mỗi ngày là khi thức dậy và đi tìm thông tin để rồi chẳng tìm thấy điều gì mới cả. Chẳng có cuộc gọi nào từ Malaysia nói rằng đã tìm thấy điều gì đó”, chị Monica nói. “Anh ấy là người chồng tuyệt vời nhất, người cha tuyệt vời nhất. Anh ấy dành nhiều thời gian cho con cái”, người vợ của người chồng mất tích đau khổ nói.

Ở một nơi khác cách đó 5.000 dặm, trong một khách sạn gần sân bay quốc tế Bắc Kinh, chị Hu Xianquan đang đỏ mắt ngóng tin chồng, anh Mao Tugui. Lần gần nhất cặp vợ chồng này trò chuyện cùng nhau là vào ngày 2/3 khi anh Mao, một họa sỹ, chuẩn bị lên đường bay sang Malaysia để tham dự một triển lãm các tác phẩm của anh.

Đối với chị Hu, cũng giống như nhiều gia đình có người thân đi MH370, sự đau buồn đã nhanh chóng chuyển thành giận dữ. Đã 1 tuần trôi qua nhưng không có tin tức nào về chồng chị, trong khi những bản tin dồn dập về các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu chưa đem lại kết quả chỉ khiến sự chờ đợi của họ thêm phần căng thẳng.

“Chẳng có ai thực sự cập nhật thông tin mới cho chúng tôi”, chị Hu nói.

Nhiều thân nhân của hành khách Trung Quốc trên chuyến HM370 đã bắt đầu đi sang Kuala Lumpur từ hôm thứ Ba tuần này, chị Hu và con gái quyết định ở lại Bắc Kinh. Chị lo rào cản ngôn ngữ sẽ chỉ khiến chị càng khó hiểu hơn về những gì đang xảy ra.

Malaysia Airlines đã đề nghị đưa thân nhân người Trung Quốc và Ấn Độ của các hành khách mất tích sang Kuala Lumpur để “chăm sóc tốt hơn”, nhưng một số người đã từ chối.

“Tôi chẳng thấy việc đi sang Kuala Lumpur đem lại lợi ích gì cả. Thông tin thì ở đâu cũng thế”, anh K.S. Narendran nói với CNN từ Ấn Độ. Vợ anh, chị Chandrika Sharma, có mặt trên chuyến bay mất tích. “Tốt hơn là tôi ở lại Chennai cùng gia đình và bạn bè”, anh Narendran nói

Chị Sharma là Thư ký điều hành của International Collective in Support of Fishworkers, một tổ chức quốc tế về hỗ trợ công nhân nghề cá. Chị đang trên đường tới Mông Cổ để tham dự một hội thảo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO). Anh Narendran, chồng chị, nói rằng, anh hầu như không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp hay thông tin từ nhà chức trách về hoạt động tìm kiếm. Thay vào đó, anh chỉ dựa vào thông tin từ báo chí và các cuộc họp báo, “nhưng tất cả đến nay vẫn chưa đi đến điều gì”.

Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, đã lên tiếng kêu gọi người thân của các hành khách MH370 kiên nhẫn. “Các gia đình cần phải hiểu rằng, đây là chuyện không ai muốn và chúng tôi đã cố gắng hết sức”, ông Razak nói hôm 12/3.

Hơn một nửa số hành khách đi MH370 là người Trung Quốc. Trong số này có chuyên gia võ thuật Ju Kun. Năm nay 35 tuổi, anh Ju đã tham gia nhiều bộ phim như “The Grandmaster” (“Nhất đại tông sư”) và “The Forbidden Kingdom” (“Tử cấm quốc”). Trước khi mất tích, anh Ju có dự định tham gia một loạt phim mới mang tên “Marco Polo” của với hãng Netflix.

Netflix và đối tác sản xuất của hãng này là The Weinstein Company nói trong một tuyên bố rằng họ rất đau lòng trước thông tin Ju Kin mất tích cùng chuyến bay MH370. “Ju Kun là một phần không thể tách rời trong đoàn làm phim của chúng tôi và là một tài năng lớn. Chúng tôi dành mọi lời cầu nguyện cho gia đình anh ấy vào thời điểm khó khăn này”.

Nữ minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di đã viết về Ju Kun trên trang Weibo cá nhân: “Anh ấy là một người chân thành, nhân hậu và làm việc hết mình”.

Cũng giống như nhiều người khác đi MH370, trang cá nhân của Ju tràn ngập lời bình luận (comment) từ những người xa lạ. Trong đó, nhiều người cầu nguyện anh sẽ trở về an toàn.

Trên khắp thế giới, các cộng đồng đã tập trung để cầu nguyện cho những người mất tích và chia sẻ nỗi đau với người thân của họ. Đầu tuần này, người Malaysia đã cùng hát các bài hát và thả đèn lồng ở thủ đô Kuala Lumpur.

Ở khu vực Petaling Jaya gần đó, nhà thờ thánh Francis Xavier đã tổ chức những buổi lễ cầu nguyện đặc biệt cho Patrick Francis Gomes, người làm công việc giám sát chuyến bay trên MH370.

“Chúng tôi vẫn không thể tin được những gì đã xảy ra. Tôi chỉ có thể nói rằng cha tôi là một người ít nói, nhưng cũng rất hài hước”, con gái của ông Gomes, cô Nikki Gomes, nói. “Cha làm việc hết mình và luôn đề cao trach nhiệm”.

Hôm qua, Malaysia Airlines tuyên bố sẽ hủy mã hiệu MH370 và MH371 để tỏ sự tôn trọng đối với hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay mất tích. Thay vào đó, các chuyến bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh sẽ mang mã hiệu MH318 và MH319.

Đến nay, nhiều bảng điện tử đã được dùng để gửi đi những lời an ủi tới người thân hành khách đi MH370. Nhiều trang web để tưởng nhớ phi công và phi hành đoàn của chuyến bay cũng đã được mở ra.

Trên trang Facebook được cho là thuộc về Pouria Nour Mohammadi, cậu thanh niên người Iran 18 tuổi dùng hộ chiếu đánh cắp để đi MH370, nhiều người lạ đã cầu nguyện cho cậu.

“Tôi không biết bạn, nhưng tôi cầu mong bạn sẽ được an toàn ở đâu đó trên thế giới này. Cầu mong bạn và các hành khách khác cùng phi hành đoàn trên chuyến bay 370 được tìm thấy an toàn, và hành trình của bạn sẽ tiếp tục cho tới khi bạn tìm thấy vòng tay mẹ”, một người viết.

Ở Trung Quốc, cô Huang Lu, một giáo viên trường tiểu học ở tỉnh Quý Châu, đang đợi tin người bạn Huang Yi, cũng là một hành khách đi MH370. Cô Huang Yi, 30 tuổi, làm việc cho văn phòng tại Thiên Tân của công ty công nghệ Freescale. Cô và 19 đồng nghiệp khác có mặt trên chuyến bay mất tích.

Huang Lu và Huang Yi là bạn thân từ thời thơ ấu. “Cô ấy nhân hậu, hoạt bát và là một người nói chuyện thú vị”, Huang Lu nói về bạn mình.

Trước đây, cả hai thường liên lạc với nhau trên mạng. Huang Yi có một cô con gái 5 tuổi và hay nói với Huang Lu về cuộc sống gia đình, cách nuôi dạy con cái. “Tôi vẫn đang đợi tin. Tôi đã rất lo khi biết về vụ mất tích. Hy vọng có điều kỳ diệu nào đó xảy ra. Hãy về đi Yi. Yuanyuan cần cậu”, Lu nói.