08:55 23/10/2007

Những tiến bộ trong thực hiện Luật Đất đai

Nguyên Linh

Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tăng mạnh, dần khắc phục tình trạng trì trệ kéo dài suốt những năm từ 1990

Đến nay cả nước đã có 37 tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 70% diện tích các loại đất chính.
Đến nay cả nước đã có 37 tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 70% diện tích các loại đất chính.
Báo cáo về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa qua cho biết, nhờ cơ chế mới và phù hợp trong Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan, tiến độ cấp giấy đã đạt được mức tăng mạnh, dần khắc phục tình trạng trì trệ kéo dài suốt những năm từ 1990.

Báo cáo từ các địa phương cho biết, đến nay cả nước đã có 37 tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 70% diện tích các loại đất chính, trong đó 13 địa phương đạt trên 90%, 14 tỉnh đạt từ 80-90%.

Tính từ năm 2005 đến đầu tháng 10/2007, cả nước đã cấp gần 1,5 triệu giấy chứng nhận đất nông nghiệp với diện tích 474.000 ha, tăng 12% so với trước đó, nâng tổng số giấy chứng nhận đất nông nghiệp lên 13,7 triệu giấy với diện tích 7,5 triệu ha.

Đối với đất nông nghiệp, trong 3 năm qua việc cấp giấy đã tăng 45% so với trước, tổng cộng có 1,1 triệu giấy với diện tích 8,1 triệu ha, đạt 62,1% tổng diện tích cần cấp giấy. Đất nuôi trồng thủy sản đạt 642.000 giấy với 478.000 ha, đạt 68,3%.

Vấn đề được quan tâm là cấp giấy chứng nhận đất ở cũng đạt được tiến độ đáng kể. Tại khu vực đô thị, trong 3 năm (2005-2007), cả nước đã cấp 846.726 giấy với diện tích 31.411 ha, tăng 42,9% so với trước đó. Tính đến nay, cả nước đã cấp hơn 2,8 triệu giấy với diện tích hơn 64.000 ha. Đã có hơn 23 tỉnh, thành đạt trên 80%, trong đó có 13 tỉnh đạt trên 90%, còn 19 tỉnh đạt thấp dưới 50%.

Đất ở nông thôn 3 năm qua cũng đạt tốc độ tăng 25,7% về tiến độ cấp giấy chứng nhận, nâng tổng số giấy cấp lên 11,7 triệu giấy với diện tích 383.165ha, đạt 76,5%. Từ ngày 1/7/2006, loại đất ở tại đô thị và nông thôn được cấp đồng thời cả giấy chứng nhận đối với sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho người có nhu cầu theo Luật nhà ở. Cấp giấy chứng nhận cho đất chuyên dùng tăng mạnh nhất với 85,1%, nâng tổng số lên 71.879 giấy với diện tích 208.828 ha, đạt 37,4%.

Tiến trình cải cách thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng đã đạt được những tiến bộ cơ bản: Thực hiện nguyên tắc một cửa, nêu cao trách nhiệm người tiếp nhận hồ sơ, giảm bớt một số giấy tờ như nộp trích lục bản đồ hoặc trích đo địa chính thửa đất và biên bản xác định ranh giới sử dụng đất với người liền kề và công việc này sẽ do Văn phòng đăng ký chịu trách nhiệm.

Tương tự, trách nhiệm của cấp cơ sở thực hiện được quy định rõ ràng cũng như thay đổi trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận với trách nhiệm thực hiện thuộc cơ quan thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Đánh giá chung là việc cấp giấy chứng nhận còn chậm, nhất là các loại đất chuyên dùng, đất ở đô thị và đất lâm nghiệp. Một số địa phương còn tồn đọng nhiều giấy chứng nhận chưa trao cho người sử dụng đất như Hà Nội, Bình Dương,... Nhiều nơi vận dùng chưa đúng các quy định của Luật đất đai trong việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền.

Nhiều nơi chưa ban hành quy định hạn mức đất ở, hạn mức công nhận diện tích đất ở gắn với vườn ao dẫn đến việc xác định diện tích đất ở không đúng với Luật đất đai. Mặt khác, chưa thực hiện được đồng bộ việc cấp giấy chứng nhận với việc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, hoặc thực hiện dồn điền đổi thửa mà không cấp lại giấy chứng nhận và không lập lại hồ sơ địa chính để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.

Trong thời gian tới, dự kiến Chính phủ sẽ rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh những điểm chưa đồng bộ hoặc xung đột pháp lý giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan đến quản lý đất đai nói chung và việc cấp giấy chứng nhận nói riêng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật đăng ký bất động sản nhằm thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, bảo đảm sự thống nhất về một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giảm phiền hà cho người sử dụng đất, tạo ra sự đồng bộ trong việc quản lý phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.

Mặt khác, các cơ quan hữu trách sẽ làm đợt tổng rà soát, sửa đổi các quy định về thuế chuyển quyền, lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho phù hợp với thực tế. Các UBND các tỉnh, thành phố sẽ có kế hoạch sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định cụ thể về giá đất, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở từ đất vườn, ao trên cùng thửa đất có nhà ở, cụ thể hóa trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị chính sách sắp tới cần coi mục tiêu của việc cấp giấy chứng nhận là để quản lý đất đai, không đặt vấn đề thu tiền vào ngân sách là chính. Theo đó, điều chỉnh giảm tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân để tạo điều kiện ổn định đời sống và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo tách hộ, có nhu cầu cấp thiết về nhà ở khi chuyển từ đất vườn, ao trong cũng thửa đất sang làm đất ở.