14:00 14/02/2022

Những “tỷ phú biến mất” và lời cảnh báo cho doanh nghiệp Trung Quốc

Bình Minh

Thông qua những trường hợp “tỷ phú biến mất”, Chính phủ Trung Quốc gửi đi một thông điệp rõ ràng...

Tỷ phú Trung Quốc Xiao Jianhua trong một bức ảnh không đề ngày tháng - Ảnh: NYT.
Tỷ phú Trung Quốc Xiao Jianhua trong một bức ảnh không đề ngày tháng - Ảnh: NYT.

Một sáng sớm nọ, một tỷ phú Trung Quốc được đưa khỏi một khách sạn cao cấp trong trạng thái ngồi trên xe lăn, đầu trùm chăn. Đã 5 năm trôi qua kể từ đó, người ta không nghe tin tức gì về ông. Nhiều tỷ phú Trung Quốc khác cũng bất ngờ biến mất, rồi xuất hiện trở lại sau vài tháng hoặc vài năm để hầu toà.

Tất cả đều là thành viên của một “câu lạc bộ tinh hoa” mà họ không bao giờ muốn gia nhập: những ông chủ doanh nghiệp lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra Trung Quốc – theo hãng tin Bloomberg.

THÔNG ĐIỆP CỦA CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC

Vào năm 2017, Trung Quốc trao thêm quyền lực cho các cơ quan điều tra và chống tham nhũng, nhằm mục tiêu làm trong sạch nội bộ Đảng Cộng sản nước này. Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào năm đó, cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc khẳng định đảng cần kiểm soát hệ thống luật pháp. Tháng 1 năm nay, cơ quan này một lần nữa khẳng định cam kết “không khoan nhượng” trong việc phá vỡ mối liên hệ giữa tiền bạc và quyền lực.

Tăng cường giám sát sự phát triển, cả về sức mạnh tài chính và ảnh hưởng, của các doanh nghiệp tư nhân là một phần trong nỗ lực này của Trung Quốc. Các cuộc điều tra càng được đẩy mạnh trong chiến dịch “thịnh vương chung” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm rút ngắn chênh lệch giàu nghèo, phân bố lại tài sản trong xã hội.

Thông qua những trường hợp “tỷ phú biến mất”, Chính phủ Trung Quốc gửi đi một thông điệp rõ ràng – theo ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học SOAS ở London. “Thông điệp đó là: kiếm lời là một đặc quyền, không phải là một quyền. Các doanh nhân lớn có thể tiếp tục làm ăn nếu có được sự cho phép của đảng”.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt ở Trung Quốc là những người từng có ảnh hưởng không nhỏ. Trong số đó phải kể đến Xiao Jianhua, vị tỷ phú bị đưa bằng xe lăn khỏi khách sạn Four Seasons ở Hồng Kông lúc rạng sáng. Tập đoàn Tomorrow Group của ông Xiao kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau gồm ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và khai mỏ. Tập đoàn này từng nói rằng ông Xiao học theo mô hình kinh doanh của nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett – nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn đa lĩnh vực Berkshire Hathaway.

Sau khi ông Xiao biến mất, Tomorrow đã đăng một một quảng cáo dẫn lời ông nói rằng ông yêu đảng và không bao giờ gây hại cho các lợi ích của đảng. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát 10 công ty có liên quan đến ông Xiao, bao gồm ngân hàng Baoshang – nhà băng đầu tiên ở Trung Quốc bị phá sản trong 2 thập kỷ qua.

Tỷ phú Wang Chaoyong, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch ChinaEquity Group vào năm 2017 - Ảnh:  Bloomberg.
Tỷ phú Wang Chaoyong, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch ChinaEquity Group vào năm 2017 - Ảnh:  Bloomberg.

Sự thăng trầm của tỷ phú ngành bảo hiểm Xiaohui Wu lại có phần khác. Tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance Group của ông Wu từng gây xôn xao khi mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở New York vào năm 2014 – một trong loạt vụ thâu tóm tài sản ở nước ngoài của doanh nghiệp này. Năm 2017, ông Wu đột nhiên không xuất hiện trước công chúng nữa mà không có một lời giải thích rõ ràng nào được đưa ra. Tiếp đó, nhà chức trách yêu càu Anbang bán tài sản ở nước ngoài. Khoảng một năm sau, ông Wu lĩnh án 18 năm tù giam vì tội gian lận và tham nhũng.

Tháng 8/2018, công ty casino Landing International Development Ltd. cho biết không thể liên lạc với Chủ tịch, tỷ phú Yang Zhihui. Giá cổ phiếu Landing liền giảm chóng mặt và đến nay vẫn chật vật phục hồi. Ba tháng sau, Landing cho biết ông Yang đã trở lại làm việc sau khi “hỗ trợ công tác điều tra của cơ quan chức năng”.

RỦI RO LỚN, CƠ HỘI CŨNG LỚN

Một vụ khác gần đây hơn xảy ra với ông Wang Chaoyong, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty đầu tư cổ phần tư nhân ChinaEquity Group. Hồi tháng 12 năm ngoái, tờ Caixin đưa tin ông Wang đã “biến mất” 2 tuần và đang là đối tượng của một cuộc điều tra về gian lận tài chính. Đầu tháng 1, ông Wang được bảo lãnh tại ngoại.

Nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là việc từ tháng 11/2020, nhà đầu tư trên toàn cầu đột nhiên không còn nghe tin gì về tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập “đế chế” thương mại điện tử Alibaba. Cổ phiếu Alibaba cũng giảm mạnh. Cuối cùng, Jack Ma đã xuất hiện trở lại với hình ảnh chơi golf ở đảo Hải Nam – một cách để tránh sự chú ý của dư luận sau khi có một bài phát biểu gây sóng gió, nguyên nhân dẫn tới sự đổ bể vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty công nghệ tài chính Ant Group.

Tỷ phú Yang Zhihui, Chủ tịch Landing International Development Ltd. - Ảnh: Yonhap.
Tỷ phú Yang Zhihui, Chủ tịch Landing International Development Ltd. - Ảnh: Yonhap.

Tháng 1 vừa qua, hãng sản xuất thuốc lá Huabao International Holdings Ltd. cho biết CEO kiêm cổ đông chính của công ty là tỷ phú Chu Lam Yiu đang bị điều tra vì bị tình nghi vi phạm kỹ luật. Giá cổ phiếu Huabao giảm hơn một nửa trong một ngày sau khi tuyên bố này được đưa ra.

Thiệt hại mà những vụ “biến mất” như vậy gây ra cho nhà đầu tư dẫn tới câu hỏi liệu có đáng để đầu tư vào Trung Quốc. Nhà tài chính, tỷ phú George Soros gọi đầu tư vào Trung Quốc là “một sai lầm thảm hoạ”. Trong khi đó, công ty quản lý quỹ hàng đầu thế giới BlackRock và nhà băng hàng đầu Mỹ Goldman Sachs lại cho rằng đặt cược vào Trung Quốc là lựa chọn khôn ngoan, rằng nhà đầu tư không nên bỏ lỡ tiềm năng to lớn của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới”.

Tỷ phú Chu Lam Yiu, CEO của Huabao International Holdings Ltd. - Ảnh: AP.
Tỷ phú Chu Lam Yiu, CEO của Huabao International Holdings Ltd. - Ảnh: AP.

Dù sao đi chăng nữa, không thể phủ nhận cơ hội ở Trung Quốc. Một số tỷ phú Trung Quốc đã “ngã ngựa”, nhưng số khác lại nổi lên thay thế. Trong xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, hiện có 79 người từ Trung Quốc, con số chỉ kém số tỷ phú của Mỹ. Trên thế giới hiện nay, Trung Quốc chiếm 1/6 tổng số tỷ phú, từ mức 1/20 vào năm 2016.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2021, Desmond Shum đã kể lại việc vợ ông là Whitney Duan đã “biến mất” như thế nào vào năm 2017. Từng là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, bà Duan giàu lên nhờ kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Vợ chồng họ thường đi chuyên cơ riêng, sắm du thuyền và giao lưu với những người bạn sẵn sàng rút 1 triệu USD trong nháy mắt để sẵm trang sức.

Shum đột ngột mất thông tin về vợ trong suốt 4 năm, và chỉ vài ngày trước khi ông dự kiến xuất bản cuốn sách trên, bà Duan xuất hiện trở lại. Bà cảnh báo chồng về những hậu quả đối với gia đình họ nếu cuốn sách được xuất bản. Bà nói bà đang được thả tự do tạm thời và có thể bị bắt lại bất kỳ lúc nào.

Whitney Duan - Ảnh: Simon & Schuster.
Whitney Duan - Ảnh: Simon & Schuster.

Khi trở lại, những doanh nhân “biến mất” không còn giống như trước nữa – ông Shum nói với Bloomberg từ London, nơi ông đang sống lưu vong cùng con trai. “Có vẻ như vợ tôi đã được thả. Nhưng cô ấy không hoàn toàn tự do”, ông nói.