09:06 25/09/2007

Những ưu tiên của tân Thủ tướng Nhật

Trung Việt

Ông Fukuda đã công bố chính sách đối nội và đối ngoại mà ông sẽ theo đuổi sau khi được Quốc hội chính thức bầu làm Thủ tướng

Với quan điểm ôn hòa, ông Fukuda chiếm ưu thế vượt trội hơn so với đối thủ Aso, người có quan điểm cứng rắn hơn trong nhiều vấn đề.
Với quan điểm ôn hòa, ông Fukuda chiếm ưu thế vượt trội hơn so với đối thủ Aso, người có quan điểm cứng rắn hơn trong nhiều vấn đề.
Cựu Chánh văn phòng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Yoshiro Mori và Thủ tướng Junichiro Koizumi, ông Yasuo Fukuda vừa được bầu làm Chủ tịch đảng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản ngày 23/9 với 330 phiếu ủng hộ trong tổng số 527 phiếu hợp lệ, trong khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Taro Aso được 197 phiếu.

Với việc trở thành chủ tịch LDP, ông Fukuda gần như bảo đảm sẽ được bầu làm thủ tướng vào ngày 25/9 ở Quốc hội, nơi liên minh do Đảng LDP đứng đầu chiếm đa số ở Hạ viện vốn được quyền chọn thủ tướng

Tạm duy trì ổn định cơ cấu Chính phủ

Với quan điểm ôn hòa, ông Fukuda chiếm ưu thế vượt trội hơn so với đối thủ Aso, người có quan điểm cứng rắn hơn trong nhiều vấn đề. Ông Fukuda, 71 tuổi, sẽ trở thành vị thủ tướng lớn tuổi nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1991 và cũng là thủ tướng đầu tiên có cha là Takeo Fukuda từng đảm nhiệm vị trí này.

Ngày 23/9, Chủ tịch LDP, ông Fukuda đã công bố chính sách đối nội và đối ngoại mà ông sẽ theo đuổi sau khi được Quốc hội chính thức bầu làm Thủ tướng.

Về đối nội, ông Fukuda cho biết sẽ ưu tiên giảm khó khăn ở các khu vực nông thôn đang chịu gánh nặng của tiến trình cải cách thị trường tự do, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Giới phân tích cho rằng ông sẽ chú ý tới các vấn đề người dân quan tâm để lấy lại uy tín cho LDP.

Về đối ngoại, Fukada sẽ tiếp tục thực hiện chính sách duy trì liên minh an ninh Nhật-Mỹ với ưu tiên trước hết là gia hạn sứ mệnh của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan.

Ông dự kiến sẽ thương lượng với Đảng Dân chủ (DPJ) đối lập, hiện là đảng lớn nhất tại Thượng viện và luôn phản đối gia hạn sứ mệnh của MSDF, nhằm đạt được sự thỏa hiệp về vấn đề trên cũng như các vấn đề then chốt khác. Theo ông, nếu việc gia hạn sứ mệnh trên tiếp tục bị trì hoãn, Nhật Bản có thể phát đi một thông điệp sai lệch về cam kết của nước này đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

Liên quan tới CHDCND Triều Tiên, ông cho biết sẽ mở cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng, chứ không chủ trương gây sức ép như Thủ tướng Abe trước đây, để giải quyết những vấn đề bất đồng, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản.

Ông cam kết cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Á khác, tăng cường quan hệ với Liên hiệp quốc và thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng Đông Á. Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Fukuda khẳng định không tới đền Yasukuni nếu trở thành thủ tướng.

Ông cũng sẽ cân nhắc thận trọng việc liệu có nên thay đổi cách giải thích Hiến pháp hiện hành vốn cấm Nhật Bản thực hiện quyền phòng thủ tập thể hay không.

Đối mặt không ít khó khăn

Trở thành thủ tướng, ông Fukuda sẽ đối mặt với không ít thách thức, nhất là từ một Quốc hội bị chia rẽ khi phe đối lập đang kiểm soát Thượng viện. Ông Fukuda sẽ kế thừa một môi trường chính trị và một đảng LDP trong cơn hỗn độn do Chính phủ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe tràn ngập những vụ bê bối tài chính.

Đây sẽ là một thách thức lớn cho ông Fukuda nếu muốn thông qua việc gia hạn sứ mệnh quân đội Nhật ở Ấn Độ Dương. Tình thế chia rẽ tại Quốc hội cũng sẽ gây ra bế tắc về chính sách khi Nhật Bản cần cải cách lương hưu và thuế trong bối cảnh thế hệ lao động sinh ra thời hậu Thế chiến II phải về hưu.

Ông cũng sẽ đối mặt với sức ép đòi tăng mức chi tiêu để tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri bất mãn, trong khi giải quyết khoản nợ nhà nước khổng lồ.

Đảng Dân chủ (DPJ) đối lập đã kêu gọi Thủ tướng mới phải giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử càng sớm càng tốt nhằm khôi phục lòng tin của người dân đối với đời sống chính trị.

Tổng thư ký DPJ Yukio Hatoyama cho rằng công chúng đã thể hiện sự phản đối chính phủ do LDP đứng đầu trong cuộc bầu cử Thượng viện hồi tháng 7, trong đó liên minh cầm quyền bị mất đa số ghế. Trong khi đó, LDP muốn thông qua dự luật gia hạn Luật đặc biệt chống khủng bố và dự thảo ngân sách quốc gia tài khoá 2008-2009 vào cuối tháng 3/2008.

Mặc dù dự thảo ngân sách chỉ cần được Hạ viện thông qua nhưng các dự luật liên quan để thực thi ngân sách cần phải được cả hai viện thông qua. Vì vậy, có thể các dự luật sẽ gặp trở ngại ở Thượng viện, hiện do phe đối lập nắm quyền kiểm soát. Cuộc bầu cử này theo đúng thời hạn sẽ diễn ra vào cuối năm 2009.