12:23 21/05/2021

Niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài giữa đại dịch Covid-19

Anh Nhi

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch đầu tư tại Việt Nam giữa làn sóng Covid-19 lần thứ tư, cho thấy niềm tin và kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon của Nhật Bản) mới đây đã có buổi làm việc với UBND Tp.Biên Hòa để thảo luận về kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm thương mại của Aeon Mall tại thành phố này giai đoạn 2021-2025.

Dù chi tiết thảo luận không được hé lộ song bản thỏa thuận hợp tác giữa Aeon Mall Việt Nam và UBND Tp.Biên Hòa dự kiến sẽ được ký kết trong vài tuần tới nhằm thúc đẩy quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư tại địa phương này.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Điều đáng nói, đây không phải là bản thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa nhà đầu tư Nhật Bản với các địa phương của Việt Nam trong năm nay. Tính đến đầu tháng 5/2021, công ty đã ký kết bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh và Thừa Thiên - Huế với dự tính sẽ đầu tư dự án vào những khu vực này.

Đại diện Aeon Mall cho biết, đây là những nỗ lực của Aeon Mall nhằm hướng tới việc đầu tư xây dựng 30 trung tâm thương mại trong 10 năm tới. “Quy mô thị trường gần 100 triệu dân và tiềm năng tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao là những nhân tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, Aeon Mall cho biết.

Sự hấp dẫn của thị trường và triển vọng tăng trưởng cũng là những yếu tố kéo Plug Power, hãng sản xuất pin nhiên liệu hydro của Mỹ, lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm xem xét đầu tư trong vài năm tới.

 

Aeon Mall có kế hoạch đầu tư xây dựng 30 trung tâm thương mại trong 10 năm tới.

Ông Andrew Marsh, Chủ tịch kiêm CEO của Plug Power cho hay việc liên doanh với SK Group (nhà đầu tư Hàn Quốc) là bước đi chiến lược của doanh nghiệp để mở rộng cơ hội tại Trung Quốc và Việt Nam. Plug Power dự kiến châu Á sẽ là một thị trường quan trọng trong mục tiêu tăng doanh thu của Plug Power từ con số 337 triệu USD năm 2020 lên 1,7 tỷ USD vào năm 2024 và chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu.

Hay mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí hóa lỏng (LNG) và Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong của Công ty Millennium Energy (Mỹ). Cùng với đó, tỉnh này kiến nghị bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng.

Cụ thể, Millennium Energy đã đề xuất kế hoạch xây dựng dự án điện khí (LNG) có công suất 4.800 MW với 4 tổ máy, được chia thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2.400 MW, với vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Trong khi đó, dự án Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong được đề xuất với quy mô vốn lên tới 22,5 tỷ USD, công suất 17 triệu m3.

Như vậy, tổng vốn đầu tư của hai dự án dự kiến lên tới 27 tỷ USD. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào có quy mô vốn lớn như vậy được cấp chứng nhận đầu tư.

Chưa nói tới chuyện kế hoạch của Millennium Energy tại Khánh Hòa có thành công hay không, song việc Millennium Energy liên tục tới Khánh Hòa, Thanh Hóa, Sóc Trăng để đề xuất các dự án điện khí quy mô hàng tỷ USD, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư này tới lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

SỨC CẠNH TRANH TỪ NHỮNG ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT

Trước sự gia tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là nguồn vốn đến từ Nhật Bản, theo ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, Việt Nam là quốc gia nằm trong Top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới.

Theo JETRO, có rất nhiều lý do của sự dịch chuyển này, trong đó có quy mô dân số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 106 triệu dân vào năm 2050, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khiến thị trường Việt Nam được đánh giá là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ. Cùng với đó, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm thuộc hàng tốt nhất khu vực, khiến quy mô GDP ngày càng lớn. “Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, như: AEON; Muji, FujiMart, Matsumoto Kiyoshi...”, JETRO cho biết.

 

"Việt Nam là quốc gia nằm trong Top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới", ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự chuyển động của nhà đầu tư nước ngoài còn bắt nguồn từ việc tận dụng những cơ hội từ chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sớm ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội dành cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, không chỉ các dự án lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc diện cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, nếu đáp ứng các điều kiện đi kèm về công nghệ, về tỷ lệ doanh thu thuần đầu tư cho R&D... nhà đầu tư sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 10 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Điều này, theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), sẽ tạo ra sức cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam trong việc hút dòng vốn FDI chất lượng cao so với các quốc gia trong khu vực khi xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời, quy định này cũng mở ra cơ hội đàm phán sòng phẳng cơ chế ưu đãi giữa nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam, để đảm bảo đôi bên cùng có lợi.

 

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, các mức ưu đãi đầu tư đặc biệt sẽ được phân làm ba mức. Trong đó mỗi mức gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Mức một: Thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 9% trong tối đa 20 năm, miễn thuế tối đa 5 năm và giảm 50% tiếp theo trong tối đa 10 năm; tiền thuê đất, thuê mặt nước miễn tối đa 18 năm và giảm tối đa 55%.

Mức hai: Thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 7% trong tối đa 30 năm, miễn thuế tối đa 6 năm và giảm 50% tiếp theo trong tối đa 12 năm; tiền thuê đất, thuê mặt nước miễn tối đa 20 năm và giảm tối đa 65%.

Mức ba: Thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 5% trong tối đa 37,5 năm, miễn thuế tối đa 6 năm và giảm 50% tiếp theo trong tối đa 13 năm; tiền thuê đất, thuê mặt nước miễn tối đa 22,5 năm và giảm tối đa 75%.

Như vậy, trong mỗi mức ưu đãi, chỉ có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là cố định, còn các ưu đãi khác sẽ linh hoạt theo khả năng đáp ứng tiêu chí cụ thể và tối đa theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Theo đó, cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên 4 tiêu chí cụ thể về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi và giá trị sản xuất trong nước để xem xét áp dụng mức ưu đãi cụ thể.