09:23 20/07/2012

Nợ công tiếp tục chèn lấn “nợ tư”

Nguyễn Hoài

Liệu từ nay đến hết năm, xu thế giữa nợ công và “nợ tư” sẽ như thế nào?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hết nửa đầu năm 2012 so với cuối 2011, trong khi tín dụng chỉ tăng 0,76% (hay 1,4% nếu tính cả số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và uỷ thác đầu tư) thì ngược lại, trái phiếu chính phủ lại rất “được mùa”. Liệu từ nay đến hết năm, xu thế giữa nợ công và “nợ tư” sẽ như thế nào?

Tại cuộc họp sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định, bức tranh tín dụng 6 tháng cuối năm vẫn khá “u ám” mặc dù diễn biến tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm có phần tích cực: tháng 1 và 2 âm 2,04% và âm 0,18% nhưng đến tháng 3: 0,95%; tháng 4: 0,69%; tháng 5: 0,56% và tháng 6 là 0,89%.

Tín dụng nhường chỗ cho trái phiếu

Theo Thống đốc, có 4 nguyên nhân dẫn đến tín dụng sụt giảm.

Một là, cầu tín dụng ở mức thấp do doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng đầu tư, hàng tồn kho lớn, khả năng hấp thụ vốn thấp nên rủi ro hoạt động ngân hàng gia tăng dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng dâng rào cản kỹ thuật để hạn chế tiếp cận vốn.

Hai là, dù kỳ vọng lạm phát xuống thấp nhưng một số đơn vị vẫn niêm yết lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng ở mức cao hơn 12%/năm.

Ba là, lãi suất cho vay bằng VND đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhất là tỷ trọng dư nợ tín dụng có mức lãi suất cao vẫn khá lớn.

Bốn là, phần lớn các tổ chức tín dụng đảm bảo các chỉ số an toàn vốn nhưng cân đối nguồn vẫn chưa tốt mà rõ nhất là sự cân đối kỳ hạn giữa đầu vào và đầu ra. Bên cạnh đó, nợ xấu tăng nhanh cũng khiến cho ngân hàng dè dặt mở hầu bao. Trong khi tín dụng èo uột thì thị trường trái phiếu Chính phủ lại khá sôi động khi nhìn từ diễn biến lãi suất và khối lượng giao dịch cũng như tính thanh khoản.

Thống kê từ Nhóm nghiên cứu thị trường của BIDV cho thấy: nếu như từ đầu năm đến tháng 2/2012, mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ duy trì mức cao từ 12,25 - 12,75%/năm, doanh số giao dịch “ảm đạm” với mức 5.000 tỷ đồng do thị trường vẫn nghi ngại về sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn cao, thanh khoản ngân hàng kém thì từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 5/2012, hoạt động thị trường trở nên nhộn nhịp.

Theo đó, doanh số giao dịch trong tháng 5/2012 đạt tới 20 nghìn tỷ đồng, lãi suất giảm mạnh từ mức 12,25 - 12,75%/năm xuống còn 9,5%/năm. Kết quả này là do thị trường trái phiếu Chính phủ được hỗ trợ bởi các yếu tố: lạm phát giảm rõ rệt, thanh khoản ngân hàng được củng cố, cầu tín dụng vẫn thấp và đặc biệt là một lượng lớn trái phiếu Chính phủ ước khoảng 20 nghìn tỷ đồng rơi vào thời điểm đáo hạn.

Bên cạnh đó, số lượng thành viên tham gia thị trường đông đảo hơn, tỷ lệ trúng thầu so với gọi thầu tới 70%; tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành tới 55 nghìn tỷ đồng, con số quá ấn tượng so với cùng kỳ 2010, 2011 và vượt quá khối lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn cả năm 2012 (35 – 37 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh sự thành công của trái phiếu Chính phủ thì trong nửa đầu 2012, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) còn phát hành thành công gần 20 nghìn tỷ đồng, đủ bù đắp số lượng tiền tương đương phải đáo hạn khoảng thời gian này.

Đối với thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm tổng giá trị giao dịch đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, khá cao so với cùng kỳ 2 năm liền kề.

Tiếp tục “lệch chân” hay giằng co?

Tại cuộc họp sơ kết nói trên, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đạt mức từ 8 - 10% so với cuối năm 2011. Nếu chốt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 0,76% thì “hạn ngạch” tín dụng những tháng còn lại cả năm từ 7,4 - 9,4% và như vậy, bình quân mỗi tháng, tín dụng phải tăng 1,23 - 1,56%. Liệu tỷ lệ này có trở thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay?

Theo phân tích của Nhóm nghiên cứu BIDV, có 2 điểm sáng nổi lên giúp tín dụng có thể tăng ở mức 8 - 10% trong năm nay và giảm bớt sự lệch chân giữa kênh trái phiếu Chính phủ và tín dụng.

Thứ nhất, mặc dù kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ từ nay đến hết năm hứa hẹn một lượng cung khá lớn, đó là: Kho bạc Nhà nước dự kiến phát hành 45 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ chào bán trên thị trường sơ cấp; VDB dự kiến phát hành thêm 13 nghìn tỷ đồng nhưng cầu trái phiếu Chính phủ chỉ tăng nhẹ.

Bởi lẽ, tổng lượng đáo hạn trái phiếu Chính phủ từ này đến cuối năm không nhiều, chỉ khoảng 15 nghìn tỷ đồng trong khi với trái phiếu của Ngân hàng Phát triển (VDB) cũng chỉ 2.000 tỷ đồng. Nói cách khác, cung tiền từ đáo hạn trái phiếu không nhiều nên góp phần giảm cầu đối với loại hàng hoá này.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quyết tâm củng cố thanh khoản, giảm mạnh lãi suất cả ở thị trường 1 và 2, nhờ đó, chi phí vốn sẽ rẻ hơn, kích thích hồi phục sản xuất, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng nhích dần lên. Điều này, sẽ giúp cho kênh tín dụng bớt “lép vế” trước kênh trái phiếu Chính phủ so với 6 tháng đầu năm.

Hay nói cách khác, ngân hàng sẽ mở rộng hầu bao cho vay đối với nền kinh tế, giảm bớt đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ và các loại giấy tờ có giá do Chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện nợ xấu toàn ngành lên tới 10% GDP, con số này theo Ngân hàng Nhà nước cung cấp là 8,6% tổng dư nợ tín dụng (hiện khoảng 2,6 triệu tỷ đến 2,7 triệu tỷ đồng).

Muốn phá thế đóng băng tín dụng thì phải xử lý dứt điểm nợ xấu, tất nhiên không phải giải quyết ngay nhưng chí ít, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra thông điệp rõ ràng về các giải pháp giải quyết số nợ xấu này.

Như thế, sẽ tạo điều kiện để bảng cân đối tài sản của cả ngân hàng và doanh nghiệp lành mạnh hơn nhằm cải thiện quan hệ mua bán vốn đang đóng băng như nhiều tháng qua.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)