14:07 05/11/2014

“Nợ xấu là một từ rất “mốt” hiện nay!”

Lan Anh

Tổng giám đốc VPBank: “Tôi nghĩ, nợ xấu chẳng có gì đáng lo ngại nếu nó nằm trong vòng kiểm soát”

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank.<br>
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank.<br>
“Nếu chúng ta cứ nghĩ đến nợ xấu là nghĩ đến ngân hàng thì không bao giờ giải quyết được. Và tôi nghĩ, nợ xấu chẳng có gì đáng lo ngại nếu nó nằm trong vòng kiểm soát”, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Đức Vinh nêu quan điểm với VnEconomy.

Ông Vinh nói:

- Trong hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2015 do VPBank tổ chức hôm 4/11, nhiều chuyên gia nhận xét các yếu tố tích cực trong năm 2014 đã được thể hiện.

Đó là những thay đổi rất cơ bản về chính sách kinh tế, đặc biệt là đầu tư công. Hai yếu tố đó cùng với sự tăng trưởng của xuất khẩu nhờ các nền kinh tế trên thế giới có sự phục hồi, đã giúp cho kinh tế Việt Nam có vẻ phát triển nhanh hơn so với trước.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất mà chúng ta vẫn lo ngại là sức cầu. Chúng ta mới đẩy mạnh được sức cầu về mặt đầu tư mà chưa đẩy mạnh được sức cầu về mặt tiêu dùng. Mặt tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam và thu nhập của người dân.

Nhưng quan trọng hơn cả, theo ý kiến của chuyên gia Võ Trí Thành, thì đó là niềm tin của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, của người dân vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng. Nếu người dân không có niềm tin vào tiêu dùng thì làm sao thúc đẩy sức cầu được?

Chúng ta được nghe rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong các chính sách là làm sao tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các ngành, khu vực, ngân hàng, nợ xấu… Đó là những vấn đề cụ thể nhưng tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là nhu cầu tiêu dùng của xã hội, là lòng tin của người dân. Nếu ta thúc đẩy và giải phóng được trí tuệ và nguồn lực trong người dân thì đây sẽ động lực thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.

Vậy cá nhân ông lo lắng những điều gì đối với triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm sau?


Tôi cho rằng điểm đáng quan ngại nhất trong năm sau là những xung đột quốc tế, nó có thể gây ra sự trì hoãn của nền kinh tế thế giới và điều đó ảnh hưởng cực kỳ lớn đến Việt Nam.

Thứ hai, có thể là sự thiếu ổn định nào đó về mặt xã hội của Việt Nam ảnh hưởng đến lòng tin, làm chậm lại quá trình đầu tư và tiêu dùng của người dân.

Còn với chính sách tiền tệ, ông đánh giá thế nào, như với vấn đề tỷ giá và lãi suất?

Vấn đề tỷ giá rất khó, các chuyên gia cũng phát biểu nhiều nhưng thường tập trung ở chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng vấn đề phát triển kinh tế của chúng ta không nằm hoàn toàn ở chính sách tiền tệ.

Vào thời điểm này, chính sách tiền tệ sẽ còn rất ít điều kiện để có thể thúc đẩy vì lãi suất đã xuống mức rất thấp rồi, mặc dù có thể có chuyên gia cho rằng mức lãi suất vẫn rất cao.

Tôi nhấn mạnh về chính sách tài khóa, làm sao để giãn các điều kiện cho doanh nghiệp. Nhưng cái quan trọng hơn, chúng ta mới tập trung vào thúc đẩy doanh nghiệp, mà doanh nghiệp không thể bán được hàng nếu không có người mua.

Mà người mua là Chính phủ, người dân và xuất khẩu nước ngoài. Nước ngoài thì thuận tiện, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư nhưng người dân có sẵn sàng bỏ tiền ra mua không? Đó là yếu tố chính.

Có lẽ chúng ta phải làm sao để thay đổi được cả văn hóa để tiến tới một xã hội tiêu dùng thực sự. Muốn như vậy, từ mặt tư tưởng, truyền thông đều cần có sự thay đổi.

Về triển vọng lãi suất, tôi cho rằng nếu nhìn tổng quan, năm sau, nhu cầu của thế giới tăng lên, lãi suất của tất cả các thị trường hiện nay đã ở mức rất thấp nên khó có thể xuống nữa. Còn phục hồi như thế nào thì rất khó nói. Nhưng tôi nghĩ là các biện pháp như dừng chương trình QE3 ở Mỹ, hay các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng sẽ làm cho lãi suất có thể có các diễn biến theo chiều hướng đi lên nhưng ở mức độ vừa phải.

Ở Việt Nam cũng vậy. Thời điểm này lãi suất đã thấp, thanh khoản thừa nên các ngân hàng ra sức tìm cách sử dụng vốn. Nhưng nếu nhu cầu tiêu dùng được phục hồi trong năm 2015 thì nguồn vốn của hệ thống tài chính Việt Nam về lâu dài sẽ không đủ để đáp ứng cho nền kinh tế.

Trong các lo ngại ông nêu ở trên, không thấy vấn đề nợ xấu…

Nợ xấu là một từ rất “mốt” hiện nay! Tôi không muốn dùng từ nợ xấu. Nhưng tôi nghĩ rằng đó không phải là vấn đề của một ngân hàng riêng lẻ mà là của cả nền kinh tế.

Ngân hàng là một trong các tổ chức có tham gia vào việc hình thành nên nợ xấu do sự yếu kém trong quản lý, do chưa đủ trình độ. Nhưng ngân hàng không phải gốc rễ của nợ xấu.

Gốc rễ nằm ở nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, ở hệ thống phát triển tiêu dùng và phát triển nhu cầu.

Nếu chúng ta cứ nghĩ đến nợ xấu là nghĩ đến ngân hàng thì không bao giờ giải quyết được. Và tôi nghĩ, nợ xấu chẳng có gì đáng lo ngại nếu nó nằm trong vòng kiểm soát.

Chúng tôi xác định “nợ xấu” là một nghề, vì bản thân hoạt động của ngân hàng phải có nợ xấu, nhiều hay ít tùy biến động của ngân hàng. Một nền kinh tế có tới 6 năm liên tục khủng hoảng mà không có nợ xấu thì mới lạ.

Chúng ta nên nói đến nợ xấu theo một góc độ khác, đó là làm sao để thúc đẩy và cải cách những yếu tố nền tảng, gốc rễ nhất của nền kinh tế. Thúc đẩy sản xuất để bán được hàng, thúc đẩy tiêu dùng để người dân mua hàng là hết nợ xấu ngay. Còn nợ xấu chỉ là biểu hiện của mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Nhưng tại ngân hàng của các ông cũng phải có những biện pháp xử lý riêng về nợ xấu chứ?

Dĩ nhiên, chúng tôi đã xây dựng những “đội quân đặc biệt tinh nhuệ” để theo dõi chuyên sâu, đánh giá, phân tích, xử lý. Nhưng một mình ngân hàng không thể làm nổi. Bản thân chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch trong vòng 3 - 4 năm để giải quyết nợ xấu dần.

Nhưng nói chung là không nên nói nhiều về nợ xấu, hãy nói đến nợ tốt, đến thúc đẩy nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tự khắc những điều đó sẽ kéo nền kinh tế và nợ xấu sẽ giảm dần.