16:25 13/05/2014

Nợ xấu ngân hàng: 5 lý do quay lại

Minh Đức

Bất chấp nhiều nỗ lực trong hai năm qua, nợ xấu lừng lững quay trở lại

Tháng 12/2013, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam có
 bước giảm mạnh nhất trong năm: từ 4,55% tháng liền trước xuống chỉ còn 
3,61%.
Tháng 12/2013, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam có bước giảm mạnh nhất trong năm: từ 4,55% tháng liền trước xuống chỉ còn 3,61%.
Tuần này, các ngân hàng thương mại lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 1/2014. Điểm chung, nợ xấu tại nhiều thành viên đã tăng lên.

Diễn biến trên dội ngược lại những nỗ lực xử lý tập trung trong hai năm qua. Nợ xấu vẫn diễn biến rất phức tạp.

Chưa thể giảm bền vững

Tháng 12/2013, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam có bước giảm mạnh nhất trong năm: từ 4,55% tháng liền trước xuống chỉ còn 3,61%.

Lần đầu tiên trong năm 2013 tỷ lệ nợ xấu mới giảm được xuống dưới 4%. Dù đây là tỷ lệ tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, mức độ sát thực có hạn chế nhất định, nhưng là kết quả của loạt giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong hai năm qua.

Có hai hướng xử lý cụ thể và trực tiếp nhất tạo nên kết quả trên: một là các tổ chức tín dụng tự xử lý; hai là bán lại nợ xấu cho VAMC (dù nợ xấu vẫn còn đó nhưng không còn thể hiện ở con số báo cáo).

Thế nhưng, đà giảm mạnh trong tháng 12/2013 không thể nối tiếp. Sau đợt cao điểm mua lại gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu, VAMC cũng tạm thời chững lại. Nợ xấu lại có xu hướng tăng lên.

Báo cáo tài chính quý 1/2014 mà các ngân hàng thương mại tập trung công bố từ tuần này cho thấy nhiều trường hợp khó khăn hơn ở nợ quá hạn. Như ACB đã chính thức vượt mốc 3% với 3,27%; DongA Bank đã lên mức khá cao với suýt soát 4%; PG Bank sau khi giảm được trong năm qua (một phần lớn nhờ bán lại cho VAMC) cũng đã trở lại trên 4%; hay tại Sacombank, một trong số ít thành viên có tỷ lệ thấp năm ngoái (1,45%), đã tăng lên 1,86%...

Ở diễn biến chung, theo cơ quan chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây, đến hết tháng 2/2014, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 122.000 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ 3,86%. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu theo Quyết định 780, nợ xấu của toàn hệ thống lên tới gần 308.000 tỷ đồng (chiếm 9,71% dư nợ).

Ở dữ liệu của một tổ chức nghiên cứu khác mà VnEconomy tham khảo, nợ xấu từ đầu năm đến nay, theo họ tập hợp độc lập, đã tăng thêm ước khoảng 10.000 tỷ đồng, đưa tổng quy mô lên khoảng 126.000 tỷ, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Xu hướng trở lại đó là đáng chú ý, dù VAMC đã tiếp tục mua thêm khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu.

5 lý do chính

Như trên, nợ xấu vẫn diễn biến phức tạp. Nỗ lực xử lý của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng với nhiều giải pháp trong hai năm qua dường như mới chỉ khống chế tốc độ và những ảnh hưởng của nó.

Xu hướng trở lại hiện nay, theo lãnh đạo của tổ chức nghiên cứu mà VnEconomy tham vấn nói trên, là tổng hòa của nhiều tác động.

Thứ nhất, nợ xấu tiềm ẩn trong nhóm 1 và 2 đến nay đã không cầm cự được thêm, buộc phải chuyển sang nhóm 3. Đây cũng là kết quả của thực tế khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung.

Thứ hai, sau một thời gian khá dài thực hiện cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 mà không phải chuyển nhóm, đến nay là lúc phải thừa nhận những khoản nợ xấu đã từng được gửi cho tương lai. Nhưng khoản trước đây đáng ra là nợ xấu, qua cơ hội được cơ cấu lại đến nay vẫn không “qua khỏi”.

Thứ ba, nợ xấu tăng trở lại so với thời điểm cuối 2013 không loại trừ có khả năng “điều chỉnh kỹ thuật” của một số tổ chức tín dụng.

“Thời điểm cuối năm là nhạy cảm nhất, thời điểm nảy sinh ý đồ cần làm đẹp báo cáo tài chính. Nay thời điểm đó đã qua đi, nợ xấu được điều chỉnh lại. Yếu tố này cũng cần tính đến”, vị lãnh đạo tổ chức nghiên cứu trên lưu ý.

Thứ tư, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm rất thấp, không giúp pha loãng tỷ lệ nợ xấu.

Thứ năm, diễn biến của nợ xấu và hoạt động của các ngân hàng thương mại phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Đây là vấn đề chung, nên việc xử lý nợ xấu nếu chỉ riêng ngạch ngân hàng thì càng giải vẫn càng nan.