Nỗi lo biến chủng Delta khiến chứng khoán Mỹ sụt điểm mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ tụt dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/7), khi cổ phiếu Big Tech bị bán mạnh phiên thứ hai liên tiếp. Mối lo của nhà đầu tư về số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ tăng mạnh do biến chủng Delta cũng phủ bóng lên các chỉ số...
Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm tuần này, hạt Los Angeles tuyên bố sẽ áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ cuối tuần. Ngày thứ Sáu, giới chức y tế Mỹ cho biết số ca nhiễm mới Covid ở nước này tăng 70% so với tuần trước và số ca tử vong tăng 26%.
Cổ phiếu của hai hãng tàu du lịch Carnival Corp và Norwegian Cruise Line đồng loạt giảm khoảng 5%.
“Covid bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường, và trớ trêu thay, đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra kể từ mùa hè năm ngoái, khi các giao dịch dựa trên sự mở cửa trở lại của nền kinh tế (opening trade) bắt đầu phổ biến”, Tổng giám đốc (CEO) Jake Dollarhide của Lowbong Asset Management phát biểu với Reuters.
Amazon và Apple giảm hơn 1% mỗi cổ phiếu. Nvidia sụt 4,2%. Ba cổ phiếu công nghệ lớn (Big Tech) này đóng góp nhiều nhất vào sự đi xuống của S&P 500 và Nasdaq trong phiên giao dịch cuối của tuần. Nhóm công nghệ trong S&P 500 giảm khoảng 1%, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi lập kỷ lục vào ngày thứ Tư.
Nhóm dịch vụ tiện ích tăng 1%, nhóm bất động sản tăng 0,1% sau khi lập kỷ lục nội phiên – phản ánh cơn sốt bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Mỹ.
Tuần này, các nhà đầu tư ở Phố Wall đã cân bằng được giữa một bên là mối lo về sự tăng vọt của lạm phát thời gian gần đây với một bên là lời trấn an của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng giá cả leo thang chỉ là vấn đề tạm thời.
Tuần tới, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ được đẩy nhanh, với báo cáo tài chính từ một loạt công ty lớn gồm Netflix, Johnson & Johnson, Verizon, AT&T và Intel.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, các nhà phân tích hiện dự báo lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty trong S&P 500 trong quý 2 tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo tăng 66% đưa ra vào tuần trước.
Với chỉ số S&P 500 hiện đã tăng khoảng 15% từ đầu năm, giới đầu tư đang trông chờ vào dự báo lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết để làm cơ sở cho mức định giá cổ phiếu cao ngất ngưởng.
“Rất khó để thị trường tiếp tục tăng vì giá cổ phiếu đã rất cao rồi”, nhà quản lý quỹ Rick Meckler thuộc Cherry Lane Investments nhận định.
Do giá dầu giảm mạnh tuần này, chỉ số cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 kết thúc phiên ngày thứ Sáu với mức giảm gần 3% và sụt 8% cả tuần. Thị trường lo ngại nguồn cung dầu sẽ tăng lên, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu có thể yếu đi vì biến chủng Delta đang lây lan mạnh ở nhiều quốc gia.
Dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy doanh thu bán lẻ tăng 0,6% trong tháng trước do chi tiêu vào các dịch vụ tăng trở lại. Số liệu này củng cố kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh trong quý 2.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,86%, còn 34.687,85 điểm. S&P 500 trượt 0,75%, còn 4.327,16 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,8%, còn 14.427,24 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm khoảng 1%, Dow Jones mất 0,5% điểm số, còn Nasdaq “bốc hơi” 1,9%. Đây là tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp của cả 3 chỉ số.
Cổ phiếu Moderna tăng 10,3%, đạt mức cao nhất mọi thời đại, sau khi nhà cung cấp chỉ số S&P Dow Jones Indices cho biết hãng dược sản xuất vaccine Covid-19 này sẽ gia nhập chỉ số S&P 500 từ ngày 21/7, thay cho một hãng dược khác là Alexion Pharmaceauticals.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,42 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,21 lần. Toàn thị trường có 9,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.