18:10 23/11/2023

Nỗi lo cận Tết, Cục Hàng không đề nghị hãng bay nghiên cứu khôi phục đường bay đến sân bay Thọ Xuân

Anh Tú

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần nhưng hầu hết các đường bay nội địa kết nối Thanh Hóa với các địa phương khác đều tạm dừng khai thác. Vì vậy, Cục Hàng không đề nghị các hãng bay khôi phục, tăng tần suất khai thác các đường bay đến sân bay Thọ Xuân theo đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hoá...

Các chuyến bay từ Thanh Hóa đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên dừng khai thác khiến người dân, nhà đầu tư bất lợi khi di chuyển đến tỉnh.
Các chuyến bay từ Thanh Hóa đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên dừng khai thác khiến người dân, nhà đầu tư bất lợi khi di chuyển đến tỉnh.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP; các công ty cổ phần hàng không: Vietjet Air, Tre Việt, Pacific Airlines, Vietravel Airlines về việc UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị khôi phục, tăng tần suất khai thác các đường bay và thời gian hoạt động tại Cảng hàng không Thọ Xuân.

Hiện nay, nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh lân cận và của người dân đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Tây Nguyên về quê thăm thân dịp trước, trong và sau Tết năm 2024 qua Cảng hàng không Thọ Xuân đang nóng dần.

 

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không căn cứ nhu cầu thị trường, tình hình, điều kiện hoạt động, khai thác vận chuyển của hãng để nghiên cứu và có ý kiến về các nội dung có liên quan theo đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Do đó, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tới, đặc biệt là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp, các hãng hàng không Việt Nam khôi phục khai thác các đường bay đang tạm dừng như các chặng: Cần Thơ, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Phú Quốc và ngược lại.

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn các hãng bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời, điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết năm 2024.

Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết Cảng hàng không Thọ Xuân được đưa vào khai thác năm 2013. Thời gian đầu khai thác 05 chuyến/tuần vói đường bay Thọ Xuân - TP. Hồ Chí Minh do Vietnam Airlines khai thác.

Sau đó các hãng hàng không khác đã khai thác 9 đường bay nội địa kết nối Thanh Hóa với các địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc… góp phần tạo điều kiện đi lại thuận tiên cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, hiện tại sân bay Thọ Xuân, hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác đường bay Thanh Hóa - TP. Hồ Chí Minh với tần suất lớn nhất là 8-10 chuyến/ngày.

Còn Pacific Airlines chỉ khai thác dịp Tết năm 2023. Bamboo Airways tạm dừng khai thác từ cuối tháng 10/2023 và đến nay đã khai thác trở lại với tần suất 3 chuyến/tuần.

Với Bamboo Airways, hãng đang tập trung tái cấu trúc đội bay, giảm các đường bay không hiệu quả và tập trung khai thác các đường bay nội địa hiệu quả để từng bước giảm lỗ. Bên cạnh đó, hãng hiện chỉ khai thác đội máy bay Airbus 320/321 và loại bỏ hết các máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner và các đường bay quốc tế sử dụng loại máy bay này. Đầu tháng 11/2023, các đường bay quốc tế thường lệ đến Úc, Đức đều tạm dừng khai thác đến cuối năm.

Đáng lưu ý, 8 đường bay nội địa từ Thanh Hóa đi các tỉnh, thành khác như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đều đang tạm dừng khai thác.

Được biết, thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế theo Nghị quyết số 125/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018.

Theo đó, điều kiện cụ thể và mức hỗ trợ giảm giá vé để thu hút hành khách tham gia đường bay mới thông qua hỗ trợ chi phí các chuyến bay với đường bay nội địa, các hãng hàng không cam kết mở và khai thác đường bay mới với tần suất tối thiểu từ 3 chuyến/tuần, thời gian khai thác tối thiểu là 2 năm, đối với đường bay cự ly trên 850 km hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến bay (các chặng bay từ Thanh Hóa đi các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào).

Còn đối với đường bay cự ly dưới 850 km hỗ trợ 30 triệu đồng/chuyến bay (các chặng bay từ Thanh Hóa đi các tỉnh từ Khánh Hòa trở ra); tổng kinh phí hỗ trợ không quá 6 tỷ đồng/đường bay mới.

Các hãng hàng không cam kết mở và khai thác đường bay mới với tần suất tối thiểu từ 3 chuyến/tuần, thời gian khai thác tối thiểu là 1 năm đối với đường bay cự ly trên 850 km hỗ trợ 20 triệu đồng/chuyến bay (các chặng bay từ Thanh Hóa đi các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào).

Với đường bay cự ly dưới 850 km hỗ trợ 15 triệu đồng/chuyến bay (các chặng bay từ Thanh Hóa đi các tỉnh từ Khánh Hòa trở ra). Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/đường bay mới.

 

Năm 2020, tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ 6 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ VietJet mở đường bay Thanh Hóa - Nha Trang 3 tỷ đồng; mở đường bay Thanh Hóa - Cần Thơ 3 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh hỗ trợ 6 tỷ đồng cho VietJet mở đường bay Thanh Hóa - Nha Trang 3 tỷ đồng; mở đường bay Thanh Hóa - Cần Thơ 3 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh bố trí dự toán kinh phí hỗ trợ là 3 tỷ đồng nhưng do số chuyến bay thực hiện còn thấp, không đáp ứng điều kiện giải ngân số kinh phí đã bố trí.