13:23 21/11/2023

Vì sao các hãng bay lần lượt rời Cảng hàng không Thọ Xuân?

Song Khánh

Hiện, tại sân bay Thọ Xuân chỉ còn 02 hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác 01 đường bay Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 8-10 chuyến/ngày; trong đó Vietnam Airlines bay 2-3 chuyến/ngày; VietJet Air bay 6-8 chuyến/ngày...

Cảng hàng không Thọ Xuân
Cảng hàng không Thọ Xuân

Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa được đưa vào khai thác hàng không dân dụng từ tháng 02 năm 2013; ban đầu khai thác 05 chuyến/tuần với 01 đường bay từ Thanh Hóa đi thành phố Hồ Chí Minh do Vietnam Airlines khai thác...

Trong giai đoạn 2013 - 2023, đã có 04 hãng hàng không (gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airline) khai thác 09 đường bay nội địa từ Thanh Hóa đi Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Định, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trước thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, Cảng hàng không Thọ Xuân là một trong những cảng có tốc độ tăng trưởng hành khách nhanh nhất cả nước. Lượng hành khách qua Cảng năm 2019 đạt 1,05 triệu lượt.

Từ năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng lượng hành khách qua Cảng vẫn tăng so với trước dịch, cụ thể: năm 2020 đạt 1,21 triệu lượt, năm 2021 đạt 810 nghìn lượt, năm 2022 đạt 1,6 triệu lượt, 10 tháng năm 2023 đạt 1,06 triệu lượt (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022), dự kiến đến hết năm 2023 lượng hành khách qua Cảng đạt 1,2 triệu lượt, giảm 25% so với năm 2022.  

Trong thời gian cao điểm dịp Tết và Hè năm 2023, các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways đã khai thác các đường bay kết nối Thanh Hóa với Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt. Riêng hãng hàng không Pacific Airline chỉ khai thác dịp Tết năm 2023; đến cuối tháng 10/2023, hãng hàng không Bamboo Airways đã tạm dừng khai thác.

Hiện nay, chỉ còn 02 hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác 01 đường bay Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 8-10 chuyến/ngày; trong đó Vietnam Airlines bay 2-3 chuyến/ngày; VietJet Air bay 6-8 chuyến/ngày.

Để hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay tại Cảng hàng không Thọ Xuân, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 125/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 về chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế. Trong đó năm 2023, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí 6,0 tỷ để hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay mới; tuy nhiên, đến hết 10 tháng năm 2023, chưa có hãng hàng không nào đề nghị mở thêm đường bay mới.

Được biết, Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân quy hoạch, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung cũng như mục tiêu phát triển của ngành hàng không cả nước.

Cảng có chức năng dự bị cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Mục tiêu quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm.

Cảng khai thác là loại tàu bay code E hoặc tương đương. Tổng số vị trí đỗ tàu bay 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Cấp cứu nguy, cứu hỏa cấp 9... Mở rộng sân đỗ tàu bay hiện hữu từ 3 vị trí code C lên 16 vị trí code C (có khả năng tiếp nhận tàu bay code E) đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm.

Nội dung quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 nghiên cứu và xây dựng đồng bộ các công trình khu hàng không dân dụng mới ở phía Đông Bắc đạt khoảng 20 triệu hành khách/năm.

Khu vực phía Tây Nam vẫn được tiếp tục sử dụng và các công trình cung cấp dịch vụ sẽ được tính toán để chuyển dần sang khu vực phía Đông Bắc khi cần phải tăng công suất để bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển của Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050 là 1.092,53 ha, trong đó diện tích đất dùng chung 181,30 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng 494,43 ha, diện tích đất khu quân sự 416,80 ha, diện tích đất dự phòng phát triển sau năm 2050 là 379,65 ha.

Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid, tốc độ phát triển của Cảng hàng không Thọ Xuân đang chậm lại. Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đang có chính sách hỗ trợ tài chính hấp dẫn đối với các hãng bay mở tuyến bay mới tại đây.

Vì nhiều lý do, nhất là việc kinh doanh không thuận lợi, lượng khách chủ yếu tập trung vào dịp hè và nhất là dịp tết Nguyên đán, các tháng còn lại tỉ lệ ghế trống lớn khiến các hãng bay lần lượt rời khỏi Cảng hàng không Thọ Xuân và chưa có kế hoạch mở lại tuyến trong thời gian sắp tới.